A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần quy định rõ về thẩm quyền của chính quyền địa phương trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Quan tâm đến quy định trong dự thảo luật liên quan đến thẩm quyền của chính quyền địa phương trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đại biểu Lò Thị Luyến cho rằng cần quy định rõ trong luật, thay vì giao Chính phủ quy định chi tiết, nhằm đảm bảo tương thích với các luật khác và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện.

Sáng 30/8/2023, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, nhiệm kỳ khoá XV xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Đại biểu Lò Thị Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên

Đóng góp ý kiến, Đại biểu Lò Thị Luyến nêu thực tế những khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện thẩm quyền chuyển đổi sử dụng đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 158 Luật Đất đai hiện hành quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền chuyển đổi đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng dưới 20ha. Luật Lâm nghiệp quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới… dưới 20ha. Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn.

Về các quy định về chuyển đổi sử dụng đất trồng lúa, Luật Đất đai hiện hành đã quy định thẩm quyền của Hội đồng dân cấp tỉnh trong việc chuyển đổi đất lúa và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không quy định hạn mức và giao Chính phủ quy định. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, theo Luật Đầu tư công, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, các tiêu chí phân loại của các dự án nhóm ABC lại được xác định trên tổng mức đầu tư sử dụng vốn đầu tư công và không liên quan đến diện tích sử dụng các loại đất lúa; chỉ có dự án quan trọng quốc gia mới có tiêu chí về chuyển mục đích sử dụng đất lúa thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Như vậy, theo dự thảo trình, hạn mức chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng nhân dân, trong khi đó  chưa có luật nào quy định rõ ràng. Đại biểu cho rằng quy định vậy sẽ gây khó khăn chồng chất cho địa phương. Vì vậy, biên tập, sửa đổi Điều 122 của dự thảo luật; đồng thời với thẩm quyền và hạn mức chuyển mục đích sử dụng đất rừng và các loại đất khác phải được quy định ngay trong luật để tương thích với các luật khác, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng.

Cần giải thích rõ khái niệm “mục đích sử dụng đất"

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Tham gia phát biểu thảo luận tại phiên họp, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội đánh giá cao quá trình ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến, tiếp thu, giải trình đầy đủ, rõ ràng các ý kiến của các đại biểu, chuyên gia, nhà nghiên cứu.

Về giải thích từ ngữ tại Điều 3, đại biểu cho rằng mục đích sử dụng đất là căn cứ quan trọng để tính các khoản thu tài chính từ đất đai, nên cần được quy định cụ thể tại luật, làm cơ sở cho các Nghị định của Chính phủ về chính sách thu tài chính từ đất, chính sách về giá đất, xử lý vi phạm về đất, thống kê đất đai đồng bộ và xuyên suốt. 

Điều 9 của dự thảo luật quy định về phân loại đất đai nhưng không có quy định phân loại đất sử dụng đa mục đích, điều này sẽ gây vướng mắc trong quản lý. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo bổ sung khái niệm về “mục đích sử dụng đất”, “mục đích sử dụng đất chính” trong phần giải thích từ ngữ.

Về quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh tại Điều 65, đại biểu tán thành phương án 2. Về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất, quy định nguyên tắc xử lý đối với trường hợp nhà nước thu hồi đất mà phần diện tích còn lại của các thửa đất sau thu hồi nhỏ hơn diện tích tối thiểu được tách thửa theo quy định của UBND tỉnh, đại biểu cho rằng cần thu hồi, nhưng cần có sự điều chỉnh phù hợp với thực tiễn để tránh việc phát sinh những mảnh đất siêu mỏng, siêu méo. 

Đại biểu đề nghị thực hiện thu hồi bắt buộc với những trường hợp này, giao Chính phủ có cơ chế quản lý sử dụng, quy định tùy thực tiễn của địa phương đối với diện tích đất này để đảm bảo nguyên tắc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất.

Xác định rõ thuộc tính của đất để mang lợi ích tốt nhất đối với quốc gia

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh

Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, trong quá trình sửa đổi luật, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và Uỷ ban Kinh tế đã rất quan tâm chỉ đạo, thể hiện sự thận trọng vì lợi ích quốc gia. Dự thảo Luật trình Hội nghị lần này đã thể hiện rõ sự thận trọng với tinh thần vấn đề nào đã rõ thì kết luận, vấn đề nào chưa rõ thì phải làm rõ thêm để có tính thuyết phục cao...

Đại biểu cho rằng, khi nhắc đến sử dụng đất thì phải xuất phát từ lợi ích quốc gia, địa phương, lợi ích doanh nghiệp và lợi ích của người dân, vì vậy, cần phải làm rõ hơn ba lợi ích này. Cùng với đó, cần xác định thuộc tính của đất. Theo đại biểu, thuộc tính của đất gồm có vị trí và diện tích. Có vị trí đất phù hợp với làm giao thông, có vị trí gần với sông, với biển,… mỗi vị trí này đều có những lợi thế khác nhau. Khi nhắc đến lợi ích quốc gia, địa phương thì cần xác định vị trí đất có thể làm đc gì để có lợi nhất đối với đất nước và địa phương. 

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đất có vị trí nhất định, diện tích nhất định thì cần phải làm gì có lợi nhất cho đất nước, địa phương thì đó là lợi ích quốc gia. Chẳng hạn, nếu vị trí đất đó làm đường giao thông là tốt nhất thì phải thu hồi đất để làm giao thông. Thu hồi đất để làm dự án có ý nghĩa nhất với quốc gia, địa phương thì Nhà nước thu hồi vì lợi ích của đất nước, địa phương.

Về phương pháp định giá đất, đại biểu đề nghị quy định trong luật là phương pháp xác định đền bù cho người dân, xác định chi phí đền bù. Giá đất là do doanh nghiệp thoả thuận với người dân nên không quy định trong luật nhưng phải quy định nguyên tắc đền bù.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...