Đề nghị tăng mức giảm trừ cho người nộp thuế
Chi phí sinh hoạt của người dân ngày càng tăng, việc tính thuế thu nhập cá nhân và giảm trừ gia cảnh như hiện nay không còn phù hợp
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) mới đây có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xem xét tăng thêm 25% mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN), tức tăng mức giảm trừ với người nộp thuế lên 13 - 14 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc lên 5,5 triệu đồng/tháng.
Chưa phù hợp thực tế
Đề nghị này xuất phát từ quy định của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) rằng người được mua, thuê mua nhà ở xã hội phải thuộc diện không nộp thuế TNCN đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương. Theo HoREA, quy định này đã loại trừ rất nhiều người không được mua, thuê mua nhà ở xã hội. Bởi những người này tuy có nộp thuế TNCN nhưng với mức nộp thuế rất thấp và thực chất vẫn là người có thu nhập thấp.
Làm thủ tục quyết toán thuế tại Cục Thuế TP HCM .Ảnh: TẤN THẠNH
Theo ghi nhận và phản ánh của nhiều bạn đọc tới Báo Người Lao Động, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế TNCN được quy định tại Nghị quyết 954 ngày 2-6-2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là 11 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng đến nay đã không còn phù hợp với nhu cầu chi tiêu bình thường của các hộ gia đình, nhất là ở những đô thị lớn.
Chị Trần Châu Việt, một viên chức tại TP HCM, cho rằng mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay là quá thấp vì chi phí ăn uống, đi lại, tiền điện, nước… đã hết số tiền này. "Nếu phát sinh thêm chi phí khám chữa bệnh (ngoài phạm vi bảo hiểm y tế), học tập nâng cao kiến thức, rèn luyện sức khỏe... thì không bao giờ đủ. Mặt khác, con tôi học đại học nhưng chỉ được giảm trừ 4,4 triệu đồng/tháng là quá ít vì học phí ở trường, học ngoại ngữ, ăn uống, đi lại... tiêu tốn tới hơn 10 triệu đồng/tháng" - chị Việt liệt kê.
Anh Hoàng Bách - nhân viên một công ty truyền thông ở quận 3, TP HCM - cho biết anh và nhóm bạn vừa được nhận giải thưởng xuất sắc của công ty, do hoàn thành vượt kế hoạch đề ra nhưng không ai chịu đứng ra nhận vì sợ đóng thuế TNCN. "Tiền thưởng chia đều nhưng phải chọn ra người có thu nhập thấp nhất đại diện nhận, để số tiền chịu thuế lũy tiến là thấp nhất. Công ty tôi có người nhận thưởng xong gộp vào thu nhập hằng tháng và đóng thuế lũy tiến nên ai cũng sợ nhận thưởng" - anh Bách băn khoăn.
Nhiều ý kiến cho rằng những khoản thưởng của người lao động chỉ vài triệu đồng hoặc chục triệu đồng vẫn phải gom vào "tính đúng, tính đủ" với thu nhập hằng tháng rồi trừ thuế lũy tiến là chưa hợp lý, triệt tiêu sự sáng tạo, cống hiến của người lao động…
Theo ông Phạm Hoàng Nam, Giám đốc Công ty Tư vấn Thuế VINASC, trong tình hình vật giá leo thang, mức sống của người dân, mức lương tối thiểu vùng cũng đã được tăng nên việc không tăng thêm số tiền giảm trừ gia cảnh là thiếu thực tế.
Một trong những quy định bất cập khác của Luật Thuế TNCN là khi một cá nhân bị cho nghỉ việc và được chủ DN hỗ trợ một số tiền nhất định thì một phần của số tiền này cũng được tính vào thu nhập tính thuế. Ví dụ, DN trợ cấp thôi việc cho người lao động 250 triệu đồng.
Theo quy định của Bộ Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội, 150 triệu đồng của số tiền này không tính vào thu nhập chịu thuế nhưng số tiền 100 triệu đồng còn lại là khoản chi vượt quy định nên phải nộp thuế TNCN với thuế suất 10%. Đây là một nghịch lý mà thời gian gần đây dư luận khá bất bình, vì người lao động đã rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp, họ vẫn phải nộp thuế.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo Cục Thuế TP HCM thừa nhận việc tính thuế TNCN đối với khoản trợ cấp công nhân bị thôi việc là chưa hợp lý. Cơ quan thuế sẽ kiến nghị cấp trên sửa đổi Luật Thuế TNCN nhằm hỗ trợ người lao động khi họ bị mất việc làm.
Cần sớm điều chỉnh
Là một trong những người tham gia xây dựng Luật Thuế TNCN ngay từ đầu, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, cho rằng nếu chỉ tăng mức giảm trừ gia cảnh nhưng vẫn giữ các bậc thuế và thuế suất thì chỉ điều chỉnh rất ít cho những người chưa đến ngưỡng nộp thuế; còn những người đang nộp thuế lại gần như không thay đổi nhiều. "Hiện nay có nhiều ý kiến đề xuất thuế TNCN cần giảm từ 7 bậc thuế xuống còn 5 bậc nhưng nếu chỉ giảm bậc thì mức thuế suất cao nhất vẫn là 35%.
Do đó luật này cần phải điều chỉnh toàn diện sao cho mức thuế suất cao nhất xuống còn 30%. Không chỉ với các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công mà cần tính toán lại nhiều đối tượng chịu thuế và nhiều khoản thu nhập khác. Đơn cử, cá nhân kinh doanh không được trừ chi phí khi có doanh thu 100 triệu đồng/tháng trở lên phải nộp thuế là không ổn" - bà Cúc nêu vấn đề.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng từ nhiều năm qua, Luật Thuế TNCN đã bộc lộ sự bất cập. Cách Bộ Tài chính làm hiện nay là lấy 9 triệu đồng nhân cho tốc độ gia tăng chỉ số giá tiêu dùng của năm 2019 so với 2013 là 23%, từ đó đưa ra con số giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng là không sát với thực tế cuộc sống của người dân.
Về các bậc tính thuế TNCN, việc quy định 7 bậc thuế hiện nay khi thực hiện lại quá rườm rà, phức tạp. Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng cơ quan chức năng cần xem xét giảm bớt số bậc thuế và nới lỏng khoảng cách thu nhập giữa các bậc thuế.
Dựa trên nghiên cứu biểu thuế của các nước, Việt Nam nên xem xét điều chỉnh còn 3 bậc thuế sẽ giúp cho việc kê khai, thu nộp và quản lý thuế được dễ dàng hơn. Đồng thời, với việc điều chỉnh số bậc thuế, việc giãn khoảng cách thu nhập giữa các bậc sẽ bảo đảm tính công bằng trong điều tiết thu nhập của luật.
TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP HCM (UEH), nhận định ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng… chi phí sinh hoạt của người dân cao nên mức tính thuế TNCN như hiện nay và mức giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp. Nếu thuế không phù hợp, người đóng thuế sẽ thấy khó khăn từ đó không kích thích được việc sáng tạo, thậm chí không có động lực làm việc.
Trong khi đó, rất nhiều người kinh doanh tự do hoặc làm việc trong những lĩnh vực như buôn bán, kinh doanh online, sáng tạo nội dung số… lại đóng thuế khoán, với thu nhập cao hơn nhiều người làm công ăn lương bình thường, điều này cũng không hợp lý. Do đó, cách tính thuế TNCN và mức tính thuế, bậc thuế cũng cần được tính toán, điều chỉnh hợp lý để tạo sự công bằng và khuyến khích người dân đóng thuế đầy đủ.