Chính phủ sẽ trình phương án giảm thuế với xăng dầu vào ngày 14-3
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong ngày 14-3 về dự án Nghị quyết mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP thông qua dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31-12-2022.
Cụ thể, Chính phủ quyết nghị thông qua để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo đề nghị của Bộ Tài chính. Bộ Tài chính, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về nội dung, số liệu báo cáo.
Người dân xếp hàng chở đổ xăng trước kỳ điều hành giá ngày 11-3
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong ngày 14-3 cho phép bổ sung dự án Nghị quyết vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy trình một phiên họp, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn. Bộ Tài chính khẩn trương gửi hồ sơ, tài liệu liên quan cho Bộ Tư pháp theo quy định.
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong ngày 14-3 về dự án Nghị quyết nêu trên để cho ý kiến và thông qua theo quy trình một phiên họp, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định.
Việc xây dựng phương án giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được Bộ Tài chính triển khai sau chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ. Việc giảm thuế nhằm "hạ nhiệt" giá xăng dầu trong nước, khi mặt hàng này đã có lần thứ 7 tăng giá liên tiếp, đưa xăng RON95 gần chạm mốc 30.000 đồng/lít, cao nhất từ trước đến nay.
Bộ Tài chính đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít. Đồng thời, cơ quan này đề nghị nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-4 đến hết năm 2022.
Mức giảm trên không phải là phương án đầu tiên mà Bộ Tài chính đưa ra. Trước đó, cơ quan này đề nghị mức giảm thuế thấp hơn, tuy nhiên Bộ Công Thương và một số cơ quan đã đề nghị giảm mạnh hơn để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tiếp thu ý kiến, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo nghị quyết với mức giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu như trên.