Xuất bản sách ảnh "Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng Chủ tịch Tôn Đức Thắng"
Ấn phẩm gồm 92 trang, 135 ảnh, được xuất bản nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng và 35 năm ngày thành lập Bảo tàng Tôn Đức Thắng.
Sáng 18-8, Bảo tàng Tôn Đức Thắng (TP HCM) tổ chức Họp mặt kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888-2023) và 35 năm ngày thành lập Bảo tàng Tôn Đức Thắng (1988-2023). Tham dự buổi họp mặt có ông Phan Nguyễn Như Khuê - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê trao thưởng cho các thí sinh đoạt giải Nhất cuộc thi vẽ tranh "Thiếu nhi TP HCM với Bác Tôn" lần thứ XVII
Phát biểu ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, ông Phạm Thành Nam, Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng, cho biết Bác Tôn sinh ngày 20-8-1888, tại Cù lao Ông Hổ (nay thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang). Bác Tôn là một trong những lớp chiến sĩ đầu tiên của phong trào công nhân và phong trào cách mạng vô sản Việt Nam.
Sau khi tốt nghiệp Sơ học, Bác Tôn rời quê hương lên Sài Gòn học việc tại Trường Cơ khí Á Châu và trở thành người thợ máy. Sự lựa chọn này đã đưa Bác đến với giai cấp công nhân.
Ông Phạm Thành Nam phát biểu ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Theo ông Phạm Thành Nam, Bác Tôn đã sống và cống hiến trọn một đời cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản cho Tổ quốc, cho Nhân dân. Nhân cách ở Chủ tịch Tôn Đức Thắng là sự gương mẫu, tiêu biểu cho đạo đức cách mạng, là bài học thiết thân cho các thế hệ mai sau về ý chí kiên cường và tinh thần đấu tranh cách mạng, về tài tổ chức, tập hợp lực lượng, về tinh thần đại đoàn kết.
Sách ảnh "Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng Chủ tịch Tôn Đức Thắng" do Bảo tàng Tôn Đức Thắng thực hiện
Dịp này, Bảo tàng Tôn Đức Thắng xuất bản sách ảnh "Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng Chủ tịch Tôn Đức Thắng". Ấn phẩm gồm 92 trang, 135 ảnh, nội dung gồm 7 phần.
Cụ thể, phần thứ 1 - Quê hương, gia đình, thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng; phần thứ 2 - Lên Sài Gòn học việc và làm thợ; phần thứ 3 - Người chiến sĩ cộng sản quốc tế; phần thứ 4 - Thành lập Công hội, tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và lãnh đạo phong trào công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn; phần thứ 5 - Mười lăm năm tù Côn Đảo; phần thứ 6 - Tham gia xây dựng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận, giai đoạn 1945 - 1980; phần thứ 7 - Cuộc sống đời thường của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Ông Trần Kiến Xương - Phó Chánh văn phòng, Trưởng Đại diện Văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại TP HCM trao tặng Bảo tàng Tôn Đức Thắng bộ tem kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Bác Tôn (1888 - 1988)
Một số tác phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi vẽ tranh "Thiếu nhi TP HCM với Bác Tôn" lần thứ XVII
Trong khuôn khổ chương trình, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã trao giải cho các thí sinh đoạt giải cuộc thi vẽ tranh "Thiếu nhi TP HCM với Bác Tôn" lần thứ XVII. Có 86 thí sinh được trao giải, trong đó 5 giải Nhất, 18 giải Nhì, 26 giải Ba và 37 giải Khuyến khích.