A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lễ Giỗ Quốc Tổ trên đất thiêng Ngàn Hống

“Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3”. Hằng năm, cứ đến tháng 3 âm lịch, muôn vạn tấm lòng người dân Nghệ An - Hà Tĩnh lại thành kính hướng về Khu di tích Đại Hùng (phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) để tưởng nhớ, biết ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước.

Cùng với hơn 1.400 địa điểm di tích có thờ cúng Vua Hùng trên cả nước, Khu di tích Đại Hùng là địa điểm duy nhất trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng. Nơi đây còn lưu giữ nhiều huyền tích linh thiêng về cội nguồn của dòng giống Lạc Hồng.

*Trên đất thiêng Ngàn Hống

Dãy núi Hồng Lĩnh có tên nôm là Ngàn Hống, dãy núi đẹp nổi tiếng của Hà Tĩnh. Theo sử sách tương truyền rằng, Thủy tổ Kinh Dương Vương sau khi lên làm vua đã đem quân lính theo núi Nam Miên đi về phía Nam. Trên đường đi, nhà vua ngắm xem phong thủy, chọn nơi hình thế thắng địa để định đô, lập ấp và vua chọn một vùng phong cảnh tươi đẹp, có 99 ngọn núi sừng sững, kỳ vĩ như bức trường thành (xưa gọi là Cựu Đô, nay gọi là Ngàn Hống).

Nhà vua đứng trên núi cao, phóng tầm mắt ra xa muôn trùng sóng cả, núi non địa bàn hiểm trở, tiến có thế công, thoái có thể thủ, là điều lợi thế bậc nhất cho một Vương triều mới sơ khai định đô. Với tầm nhìn bao quát càn khôn đó, Kinh Dương Vương đã cho dựng Kinh đô ở đây và đặt tên nước là Xích Quỷ (nghĩa là ngôi sao đỏ). Kinh thành xây xong, nhà vua cưới Thần Long làm Hoàng Hậu rồi sinh ra Long Vương (Lạc Long Quân, sau này nối ngôi cha lên làm vua, xưng là Hùng Hiền Vương). Từ đó, Kinh đô Ngàn Hống mở ra một thời kỳ mới của đất nước Văn Lang xưa. Tuy vậy, về sau thấy vùng châu thổ sông Hồng thuận lợi hơn nên Kinh Dương Vương dời đô ra Việt Trì (tỉnh Phú Thọ).

Kinh đô Ngàn Hống sau này trở thành Cố đô đầu tiên của nước Việt và là biểu tượng linh thiêng, nơi trở về của cội nguồn dân tộc Việt. Nhiều đời sau, người dân nơi đây lập nên Khu di tích lịch sử văn hóa Đại Hùng để vọng thờ đức Thủy tổ Kinh Dương Vương và các bậc Vua Hùng.

Khu di tích lịch sử văn hóa Đại Hùng có lịch sử trên 700 năm, bao gồm chùa Đại Hùng và đền thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương cùng các bậc Vua Hùng. Trải qua hàng trăm năm, nhiều hạng mục của di tích bị ảnh hưởng, tuy vậy, nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật quý báu, trong đó, có quả chuông được đúc vào năm thứ 7 đời nhà Nguyễn, niên hiệu Cảnh Thịnh (1793-1807), cao trên 1m, nặng khoảng 100kg, được chạm trổ tinh xảo, khắc dòng chữ “Đại Hùng Tự Chung”.

*Lễ Giỗ Quốc Tổ - nhớ về cội nguồn dân tộc

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh luôn đặc biệt quan tâm tới việc thờ tự đức Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng, đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử văn hóa Đại Hùng ngày càng khang trang hơn, xứng tầm là nơi thờ tự tổ tiên chung của dân tộc.

Hằng năm, cứ đến ngày 18 tháng Giêng (âm lịch), nhân dân trong vùng lại làm lễ húy kỵ đức Thủy tổ Kinh Dương Vương và ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, cùng với cả nước, chính quyền, nhân dân thị xã Hồng Lĩnh lại tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ công lao của các Vua Hùng đã có công dựng nước.

Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương tại Khu di tích lịch sử văn hóa Đại Hùng thu hút đông đảo nhân dân, Phật tử trong và ngoài tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An… hành hương về dự lễ. Bà Nguyễn Thị Hải Sen, du khách tại thành phố Vinh chia sẻ, hằng năm, vào dịp tháng Giêng và Giỗ Tổ Hùng Vương, gia đình bà đều về đây dâng lễ, tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh Trần Xuân Đức chia sẻ, hướng về Đại lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương, chính quyền, nhân dân thị xã Hồng Lĩnh nói chung và phường Đậu Liêu nói riêng phối hợp chuẩn bị phần việc như, dọn vệ sinh, chỉnh trang khuôn viên, mua sắm lễ vật dâng tế Đức Thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng. Đến nay, công tác chuẩn bị cơ bản hoàn tất, đặc biệt thị xã Hồng Lĩnh vừa tổ chức thành công giải bóng đá nam tranh cúp Hùng Vương lần thứ 2 năm 2024. Với mỗi người dân thị xã Hồng Lĩnh, Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương là hoạt động ý nghĩa, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tri ân công đức tổ tiên.

Các hoạt động Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương và phần hội truyền thống được diễn ra từ ngày 16 - 18/4/2024 (tức ngày 8/3 đến ngày 10/3 âm lịch). Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương năm 2024 tại Hà Tĩnh được tổ chức quy mô cấp tỉnh. Không gian chính của Lễ giỗ diễn ra tại Khu di tích lịch sử văn hóa Đại Hùng.

Lễ giỗ gồm các hoạt động chính: Lễ dâng cúng vật phẩm của các địa phương trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh (diễn ra vào chiều 16/4/2024 - tức 8/3 âm lịch); lễ tế dân gian (diễn ra vào sáng 17/4/2024 - tức ngày 9/3 âm lịch); nghi lễ rước linh vị Thủy tổ và Quốc Tổ Hùng Vương (được tổ chức vào chiều 17/4/2024 - tức ngày 9/3 âm lịch); phần nghi lễ Nhà nước được tổ chức vào sáng 18/4/2024 (tức ngày 10/3 âm lịch).

Các hoạt động hướng tới Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương năm 2024: Giải Bóng đá tranh Cúp Hùng Vương lần thứ 2 (từ ngày 1 - 13/4/2024); Hội thi “Gói bánh chưng, bánh giầy dâng Quốc Tổ” (sáng 17/4/2024); đêm dạ hội văn nghệ hướng đến Đại lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương tổ chức vào tối 17/4/2024./.

Hoàng Ngà


Tác giả: Hoàng Thị Ngà
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết