Dạy chữ Khmer, giúp học sinh gắn kết với cội nguồn văn hóa dân tộc
Đã thành thông lệ, vào dịp hè, các chùa Phật giáo Nam tông Khmer tại tỉnh Vĩnh Long tổ chức các lớp dạy chữ Khmer cho học sinh là con em đồng bào Khmer tại địa phương. Hoạt động này không chỉ góp phần bảo tồn tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số mà còn tạo nên sân chơi bổ ích trong dịp hè, giúp các em gắn kết với cội nguồn văn hóa dân tộc.
Mùa hè năm nay, chùa Âng (phường Nguyệt Hóa) đón gần 200 học sinh Khmer đến học chữ “mẹ đẻ”. Các em được chia thành 5 lớp theo trình độ để thuận tiện trong tiếp thu kiến thức. Em Thạch Châu Ngọc, học sinh lớp 11 Trường Trung cấp Pali-Khmer Trà Vinh, chia sẻ: “Em bắt đầu học chữ Khmer tại chùa Samrong Ek từ năm 11 tuổi. Đây là năm thứ hai em học tại chùa Âng. Việc học chữ Khmer giúp em đọc hiểu, viết thông thạo tiếng mẹ đẻ và hiểu sâu hơn về truyền thống văn hóa dân tộc mình”.
Em Thạch Tô Sôvane Đara (lớp 9) và em trai Thạch Tô Sôvane Khemara (lớp 7), học sinh Trường Dân tộc nội trú Châu Thành, đã có hai năm học chữ Khmer tại chùa Âng vào mỗi dịp hè. Đara bày tỏ: “Em rất vui và tự hào khi được học tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình. Em mong muốn lan tỏa tinh thần học chữ Khmer đến cộng đồng. Trước đó, em có 5 năm học tiếng Khmer tại chùa Samrong Ek. Các sư dạy rất nhiệt tình, dễ hiểu và luôn tạo cảm giác thoải mái, vui vẻ. Em sẽ tiếp tục học cho đến khi có thể giao tiếp, đọc viết thành thạo tiếng Khmer”.
Theo Đại đức Thạch Đô Ra, các lớp học tại chùa Âng diễn ra hai buổi mỗi ngày: Sáng từ 7 giờ đến 9 giờ 30, chiều từ 14 giờ đến 16 giờ. Học sinh được nghỉ 4 ngày trong tháng. Ngoài nội dung đọc, viết chữ Khmer, các em còn được truyền dạy phong tục tập quán, nghi lễ, đạo đức và văn hóa truyền thống của đồng bào.
Bà Thạch Thị Thu Hà, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Vĩnh Long, cho biết sau khi hợp nhất đơn vị hành chính, tỉnh hiện có 156 chùa Phật giáo Nam tông Khmer. Hằng năm vào dịp hè, phần lớn các chùa đều tổ chức lớp dạy chữ Khmer, thu hút đông đảo học sinh tham gia. Các lớp học do các vị sư và Achar (người có uy tín trong vùng đồng bào Khmer) thông thạo tiếng Khmer đảm nhiệm giảng dạy.
Đây là sân chơi bổ ích giúp các em hình thành, phát triển kỹ năng sử dụng tiếng mẹ đẻ và nâng cao nhận thức văn hóa dân tộc. Trước đây, tại tỉnh Trà Vinh (cũ), những người dạy tiếng Khmer tại các điểm chùa được hỗ trợ 35.000 đồng/tiết theo Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND ngày 9/11/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Hiện, Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Vĩnh Long đang tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ cho người trực tiếp giảng dạy tiếng Khmer tại các chùa, nhằm ghi nhận và động viên sự đóng góp của các vị sư, Achar trong bảo tồn tiếng nói, chữ viết và văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số./.
Thanh Hòa