A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu": Nơi ấy các em đã có thầy

Dù công việc dạy học ở miền núi còn khó khăn đủ bề nhưng thầy vẫn cảm thấy vui với sự lựa chọn của mình

Về Trường Tiểu học và THCS A Xing (xã Lìa, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), nhắc đến thầy Hiệu trưởng Nguyễn Mai Trọng, từ học sinh đến thầy cô giáo và phụ huynh ai nấy đều bày tỏ sự yêu quý với người đã dành gần 30 năm gắn bó với miền núi Quảng Trị. Ngoài công việc giảng dạy, quản lý, thầy Trọng vẫn miệt mài vận động cộng đồng giúp đỡ những học trò có hoàn cảnh khó khăn.

Gõ cửa từng nhà có trẻ

Thầy Nguyễn Mai Trọng sinh năm 1974, trong gia đình có 5 anh em ở xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Thầy tốt nghiệp Trường CĐ Sư Phạm Quảng Trị chuyên ngành sư phạm tiểu học và được phân công về công tác tại xã Thanh (huyện Hướng Hóa), sau đó về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hướng Phùng 9 năm (2013-2021) và 8 năm ở Trường Tiểu học và THCS A Xing (giai đoạn 2006-2012 và 2021 đến nay).

Kỷ niệm những ngày đầu chân ướt, chân ráo lên miền núi Quảng Trị đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, với thầy Trọng vẫn như mới hôm qua. Ngày ấy, thầy Trọng cùng nhiều thầy cô giáo khác bằng sức trẻ và lòng nhiệt huyết đã băng rừng, vượt suối đến với xã Thanh. Đời sống của người đồng bào Vân Kiều, Pa Kô chủ yếu dựa vào trồng sắn và nương rẫy. Đến cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm thì việc đến trường của con em những gia đình này là điều ngoài khả năng. Do vậy, rất cần hoạt động "dân vận" của người thầy.

NGƯỜI THẦY KÍNH YÊU: Nơi ấy các em đã có thầy - Ảnh 1.

Thầy Nguyễn Mai Trọng đến từng nhà vận động các em đến trường và giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Cơ sở vật chất của nhà trường lúc đó thiếu thốn trăm bề. Ngoài giờ dạy, thầy Nguyễn Mai Trọng tìm đến lãnh đạo các cấp trình bày ý kiến, xin kinh phí xây thêm phòng học. Được lãnh đạo đồng tình ủng hộ, sau một thời gian có thêm 10 phòng học được xây dựng. Rồi phòng tin học, ngoại ngữ cũng được đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu giáo dục toàn diện cho học sinh.

Có được lớp học tạm ổn định, ngoài giờ lên lớp, thầy Trọng cùng các thầy cô khác trên chiếc xe cà tàng, có khi phải đi bộ nhiều cây số trên những cung đường ngoằn ngoèo, nguy hiểm, lặn lội vào tận từng bản, từng làng, gõ cửa từng ngôi nhà có trẻ nhỏ, vận động đồng bào cho con cái họ được đi học. "Nếu không yêu nghề, thương học sinh vô điều kiện thì chắc không theo nổi. Có những lúc tưởng chừng tôi phải bỏ dở lớp học vì gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và đi lại. Nhưng nhìn những cặp mắt thơ ngây của các em, tôi lại cố gắng hết sức mình để bám lớp, để các em nơi đây tiếp cận với con chữ" - thầy Trọng tâm sự.

Gần 30 năm gắn bó và thấu hiểu giáo dục miền núi, thầy Trọng nắm bắt được nguyên nhân dẫn đến việc bỏ học là do điều kiện kinh tế gia đình của học sinh quá khó khăn. Vì thế, ngoài công việc giảng dạy, công tác quản lý, thầy Trọng còn kiêm việc vận động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để giúp đỡ các em. Một ngày của thầy Trọng không kết thúc trên bục giảng mà kết thúc trên những nẻo đường tìm đến với học sinh.

Cổ tích giữa đời thường

Suốt 28 năm trên chặng đường gieo con chữ, bên cạnh cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, thầy Trọng đã có hơn chục năm song hành với những hoạt động vận động, thiện nguyện. Thầy bảo không còn nhớ nổi có bao nhiêu học trò đã từng được mình giúp đỡ, chia sẻ nhưng cũng có những trường hợp khiến thầy nhớ mãi. Niềm vui của các em khi nhận được quà của các nhà hảo tâm, giúp thầy thêm hăng say và mở rộng quy mô vận động, hỗ trợ.

Cứ vào đầu năm học hay dịp Tết đến, thầy lại kêu gọi mọi người hỗ trợ các em học sinh nghèo có sách vở, quần áo để được đến trường và có cái Tết đủ đầy. Với tấm lòng, uy tín của mình, trong 10 năm qua, thầy Trọng đã kêu gọi và nhận được sự giúp đỡ của nhiều nhà hảo tâm. Chỉ tính riêng thời gian công tác tại xã Hướng Phùng, thầy Trọng vận động được gần 5 tỉ đồng từ các cá nhân, tổ chức cho học sinh và người dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở đó. Năm 2021, tại Trường Tiểu học và THCS A Xing, thầy đã kêu gọi trên 400 triệu đồng hỗ trợ học sinh và người dân địa bàn này.

Nhờ số tiền thầy Trọng vận động, hàng trăm học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nguy cơ phải bỏ học cao có cơ hội được tiếp tục đến trường; xây dựng, tu sửa các điểm trường lẻ, xây dựng các công trình nước sạch, sân chơi, bãi tập rèn luyện thể dục - thể thao cho học sinh; trao học bổng tặng học sinh nghèo học giỏi, kịp thời động viên tinh thần hiếu học, vượt qua khó khăn vươn lên học giỏi của các em.

Thầy là điểm tựa cho nhiều học trò nghèo nơi đây. Em Hồ Văn Nội, một trong 4 anh em đồng bào Vân Kiều, xúc động nói: "Ba mẹ chúng em đã mất, cứ tưởng rằng sẽ không bao giờ được đi học. Nhưng tất cả nhờ thầy Nguyễn Mai Trọng đã làm cầu nối kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ cho chúng em được đến trường như hôm nay. Chúng em cảm ơn thầy rất nhiều". Đó là một trong nhiều học sinh được thầy Trọng giúp đỡ.

Khi được hỏi động lực nào khiến thầy giúp đỡ cho các học sinh nghèo, thầy trả lời một cách hồn hậu: "Xuất phát từ tình yêu thương con người, tất cả vì học sinh thân yêu ở miền biên giới này". Có thể nói, trong những năm qua, thầy Nguyễn Mai Trọng không chỉ dạy cho các em học sinh kiến thức mà còn truyền cho các em và mọi người xung quanh tình yêu thương con người, sự sẻ chia với những mảnh đời khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống... 

Món quà ý nghĩa

Bằng nhiệt huyết nhà giáo yêu nghề, mến trẻ, thầy Nguyễn Mai Trọng và các thầy cô giáo ở đây đã ươm mầm giáo dục cho những đứa trẻ miền núi. Những mầm non nơi đây chỉ có tấm lòng và niềm khát khao sự học để đem lại ngày mai tươi sáng. Nhưng với thầy Trọng, đó mới chính là món quà có ý nghĩa nhất đối với người làm nghề chèo đò. Còn gì đẹp hơn khi những hạt giống tâm hồn thầy đang gieo sẽ nảy mầm trong tương lai và theo hành trang lớp lớp học trò trên đường đời.

 

Tác giả: Lê Thị Thu Thanh (tỉnh Quảng Trị)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...