Cuộc đua AI tại Đông Nam Á
Cuộc đua phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) tại Đông Nam Á đang là một trong những cuộc chạy đua đáng chú ý.
Theo đài CNBC hôm 14-12, ASEAN hiện có hơn 200 triệu người trong độ tuổi từ 15 đến 34 và phần lớn am hiểu công nghệ, từ đó giúp khu vực này có thể thích ứng với những tiến bộ công nghệ trong tương lai. Điều này, cộng với sự hỗ trợ của chính phủ để thúc đẩy AI trong khu vực, có thể mang lại lợi ích cho người lao động địa phương.
Ông Jun Le Koay, chuyên gia của Công ty Tư vấn Access Partnership (Anh), nhận định AI có thể cải thiện đáng kể năng suất trong các ngành công nghiệp. Sự gia tăng hiệu quả này có thể dẫn đến tăng thu nhập cho tất cả người lao động.
Ngoài ra, khi các ngành công nghiệp tăng cường ứng dụng AI, những công việc mới sẽ xuất hiện, đòi hỏi kỹ năng AI. Sự phát triển này tạo ra cơ hội cho các nhóm dân số thu nhập thấp có được kỹ năng mới và chuyển sang vị trí được trả lương cao hơn. Chưa hết, sự bùng nổ của AI tạo cơ hội cho Đông Nam Á tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có.
Theo ông Jun Le Koay, các quốc gia tại khu vực đã cải thiện đáng kể khả năng truy cập internet trong thập kỷ qua. Điều này tạo ra "một thế hệ dân số kỹ thuật số sẵn sàng tiếp cận và đổi mới sáng tạo với AI".
Toàn bộ 10 thành viên ASEAN đều đã công bố chiến lược AI quốc gia. Chẳng hạn, theo đài CNBC, chiến lược của Việt Nam đặt mục tiêu trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển các giải pháp AI của Đông Nam Á vào năm 2030. Việt Nam đang tận dụng thế mạnh về năng lực lắp ráp, kiểm tra và đóng gói để đáp ứng nhu cầu chip toàn cầu.
Trong khi đó, Singapore có tham vọng mở rộng lực lượng lao động AI lên 15.000 người - gấp ba lần số lượng hiện tại - cũng như lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển.
Tháng 9 vừa qua, Cơ quan Nghiên cứu, Công nghệ và Khoa học (A*STAR) cùng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore đã lập trung tâm mới nhằm giúp ngành sản xuất sử dụng AI để cải thiện hiệu quả, giảm chi phí và tạo ra cơ hội kinh doanh. Tham vọng AI còn nhận được cú hích khi chính phủ cam kết đầu tư 1 tỉ đô la Singapore trong vòng 5 năm tới.
Một số nước khác hướng tới việc tận dụng AI cho các lĩnh vực truyền thống sử dụng nhiều lao động. Chẳng hạn, Campuchia muốn khai thác AI để thúc đẩy nông nghiệp - lĩnh vực chiếm 22% GDP và tạo việc làm cho khoảng 3 triệu người năm 2018.
Dù vậy, bà Grace Yuehan Wang, chuyên gia tại Trường Kinh tế London (Anh), nhận định sẽ chưa có quốc gia Đông Nam Á nào dẫn đầu cuộc đua AI trong tương lai gần. Theo bà, hệ sinh thái AI của ASEAN vẫn còn thiếu một số yếu tố như: hạ tầng kỹ thuật số phát triển; việc đào tạo nhân tài kỹ thuật trong ngành công nghệ, trong đó có AI; các trường đại học đẳng cấp thế giới; sự hợp tác thành công giữa công nghiệp và nghiên cứu…
Bà Wang cho rằng sự cạnh tranh về AI giữa các nước ASEAN đang "chủ yếu xoay quanh việc thu hút đầu tư nước ngoài và hợp tác với các trường đại học hàng đầu thế giới".
Bên cạnh đó, các quốc gia đang phát triển trong ASEAN hiện đối mặt thách thức trong việc sẵn sàng cho AI, chưa nói đến việc xây dựng chính sách AI toàn diện.
Bà Kristina Fong, trưởng nhóm nghiên cứu về các vấn đề kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu ASEAN của Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), nhấn mạnh cần có một số nền tảng pháp lý vững chắc trước khi có thể bắt đầu triển khai AI một cách đáng tin cậy. Chuyên gia này lưu ý các tác động bất lợi của AI đối với người dùng có thể đến rất nhanh và nghiêm trọng nếu không có sự giám sát của các cơ quan quản lý.