A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

3 điểm tựa của Đội tuyển Việt Nam

Dẹp đi những con số, dẹp đi câu chuyện yêu, ghét, thích, không thích, người hâm mộ Việt Nam cần biến sân Mỹ Đình thành bệ phóng cho Đội tuyển Việt Nam và Huấn luyện viên Philippe Troussier.

3 điểm tựa của Đội tuyển Việt Nam

Sự ủng hộ từ các cổ động viên với ông Troussier cũng là cách tiếp thêm sức mạnh cho Đội tuyển Việt Nam. Ảnh: VFF

Từ Gelora Bung Karno...

Tối 21.3, Đội tuyển Việt Nam có trận đấu trên sân Gelora Bung Karno của Đội tuyển Indonesia ở lượt trận thứ ba bảng F vòng loại thứ hai World Cup 2026 khu vực châu Á. Một lần nữa, những người theo dõi cảm thấy choáng ngợp với bầu không khí từ dưới sân lên khán đài sân đấu có sức chứa gần 80.000 chỗ ngồi này. Đó thực sự là sức ép khủng khiếp dành cho bất kỳ đội khách nào đến đây chứ không riêng gì Đội tuyển Việt Nam.

Với Huấn luyện viên Phiippe Troussier, trong ngày sinh nhật bước sang tuổi 69 của mình, ông có lần đầu tiên được trải nghiệm, được hít thở trong sự nghẹt thở của sân bóng được mệnh danh là “chảo lửa” này. Và ở đâu đó, hẳn sẽ có người hỏi, liệu rằng huấn luyện viên người Pháp có cảm thấy chạnh lòng khi chứng kiến người hâm mộ Indonesia cổ vũ đội tuyển quốc gia, cổ vũ Huấn luyện viên Shin Tae-yong, cổ vũ các cầu thủ, kể cả khi chính sách nhập tịch ồ ạt đã và đang tạo nên tranh cãi ở chính xứ Vạn đảo?

Hẳn là có, khi đặt chân đến Indonesia, Huấn luyện viên Troussier một lần nữa nói về tỉ lệ 20/80 giữa những người ủng hộ và phản đối vai trò, vị trí của ông hiện tại. Có người hỏi, tại sao ông không nói điều đó khi ở Việt Nam? Là bởi, khi ông nhìn nhận được sự khách quan và chủ quan trong cách đánh giá của người hâm mộ Việt Nam không có tỉ lệ tương xứng, ông thể hiện sự thẳng thắn ở một vị trí… khách quan nhất có thể.

Lại có nhận định bảo ông… thù dai, nhớ lâu, nhưng câu chuyện này không hoàn toàn thuộc khía cạnh đó. Ông nhớ lâu là bởi chính những phản ứng, bình luận, đánh giá, chỉ trích thì người hâm mộ Việt Nam về công việc ông đang làm. Tất nhiên, không ai bảo phải đi khen đội tuyển khi thất bại, nhưng chạm đến các vấn đề cá nhân, tuổi tác, trí tuệ, phẩm chất của ông Troussier - hay bất kỳ ai, là điều không đúng đắn.

… tới điểm tựa Mỹ Đình, người hâm mộ và ông Troussier

4 ngày nữa, Tuyển Việt Nam sẽ gặp lại Tuyển Indonesia trên sân Mỹ Đình. Người ta tự hỏi, điều gì sẽ xảy ra ở đó? Với tình yêu cuồng nhiệt dành cho bóng đá, người hâm mộ Việt Nam vẫn sẽ lấp đầy khán đài. Mặc dù sức chứa 40.000 chỉ bằng một nửa sân Bung Karno nhưng vẫn đủ để tạo áp lực lớn lên đối thủ.

Nhưng vấn đề ở chỗ, tình hình của bóng đá hiện tại lại dễ dẫn người ta đến việc hình dung ra cảnh cổ động viên vẫn hết mình cổ vũ cho đội tuyển nhưng lại mong huấn luyện viên bị… sa thải. Vì sao phải khổ vậy? Dù có yêu bóng đá chiến thắng đến mấy, điều cơ bản của bóng đá là xây dựng, phát triển, tồn tại lâu dài, đi qua từng giai đoạn với sự thích nghi nhanh nhất có thể.

Sự vội vàng luôn dẫn đến một “cái chết” nhanh nhất, hoặc còn rất lâu mới có thể “sống dậy”. Như Manchester United chẳng hạn, muốn nhanh nhưng hành động vội vàng để hơn một thập kỷ vẫn chưa tìm lại được mình. Hay như đánh giá mới đây của Ivan Rakitic rằng, “Barcelona có thể đã đi quá nhanh, trong khi Real Madrid làm tốt mọi thứ để có nền tảng vững chắc”. Rakitic là một cựu cầu thủ của Barcelona, đội bóng đang chật vật tìm được trở lại kể từ thời điểm những Xavi, Andres Iniesta và đặc biệt là Lionel Messi chia tay.

Vậy thì, điều cần hiểu lúc này là ông Troussier đang chuẩn bị cho Đội tuyển Việt Nam một nền tảng cho tương lai, trong khi chính chúng ta lại gần như không có sự chuẩn bị đó cho chính mình - nhìn từ vấn đề cầu thủ trẻ tại V.League.

Thế nên, dẹp đi những con số, dẹp đi các vấn đề cảm xúc - từ cả người hâm mộ lẫn Huấn luyện viên Troussier, đồng lòng biến sân Mỹ Đình thành 3 điểm tựa cho các cầu thủ bước vào trận đấu quan trọng khác vào ngày 26.3. Cho cả hành trình sắp tới nữa!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết