Tăng tốc tìm đầu ra cho đặc sản
TP HCM đang đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) với cách tiếp cận mớ
Cuối tuần qua, tại huyện Cần Giờ (TP HCM), Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng nền tảng TikTok, các chủ thể OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) TP HCM và những TikToker có lượng người dùng theo dõi lớn tổ chức phiên livestream (phát trực tiếp) bán nông sản quy mô lớn.
Gần 1 tỉ đồng trong 4 giờ
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, các sản phẩm OCOP được chọn bán trong chương trình như: mật dừa nước Vietnipa, mật ong Xuân Nguyên, bơ đậu phộng Đạt Foods, cà phê Meet More, bột rau Thiên Nhiên Việt, mắm Ngọc Liên, yến đảo Cần Giờ…
Livestream bán sản phẩm OCOP TP HCM
Theo ban tổ chức sự kiện, với 6 phiên livestream diễn ra đồng thời từ 9 giờ đến 13 giờ, đã tiếp cận 16 triệu người với hơn 350.000 lượt xem, doanh số sản phẩm bán ra đạt hơn 900 triệu đồng. Các clip đăng tải về sự kiện OCOP Cần Giờ diễn ra từ ngày 19 đến 21-10 tiếp cận được 20 triệu lượt xem sau 1 ngày đăng tải.
Anh Trần Đăng Đạt, đồng sáng lập Công ty TNHH Đạt Butter (Đạt Foods), thông tin chốt phiên livestream, Đạt Foods có 100 đơn hàng, doanh số 10 triệu đồng, con số gây bất ngờ bởi trước giờ doanh nghiệp (DN) chưa chú trọng mảng thương mại điện tử và gần như không biết gì về bán hàng qua livestream.
"Đến nay, chúng tôi mới được hỗ trợ mở gian hàng trên TikTok Shop. Ngay sau sự kiện, chúng tôi sẽ chuẩn bị kế hoạch để tự livestream, học cách quay phim, chụp hình đưa lên các nền tảng mạng xã hội với nhân sự chuyên trách. Đồng thời, mở lại các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử để bắt kịp xu thế mới" - chủ thể OCOP này hào hứng.
Anh Đạt nói thêm thương hiệu OCOP cần được truyền thông hơn nữa để người tiêu dùng tin tưởng kiểu như nhà hàng có sao Michelin. Đó là cách tốt nhất để các sản phẩm được gắn sao OCOP dễ dàng đầu ra.
Chị Nguyễn Thị Tường Thảo (TikToker Thảo Mola) cho biết phiên livestream của chị ghi nhận được doanh số khoảng 70 triệu đồng với 2 sản phẩm bán tốt nhất là bột rau má và yến sào. "Người dùng theo dõi kênh của tôi thuộc nhóm sống xanh, ăn uống lành mạnh nên rất thích các sản phẩm này.
Nhiều sản phẩm OCOP của TP HCM có câu chuyện sản phẩm rất hay, chất lượng tốt, bao bì đẹp nên chỉ cần đầu tư xây kênh riêng, tạo uy tín sẽ đẩy doanh số rất nhanh. Họ là những nhà sản xuất, chỉ cần quay phim, chụp hình quy trình sản xuất, câu chuyện xung quanh chắc chắn sẽ hút người xem" - Thảo Mola gợi ý.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, thành phố hiện có 66 sản phẩm OCOP, thời gian tới số lượng sản phẩm sẽ tăng khi mở rộng thêm địa bàn là các quận, TP Thủ Đức thay vì chỉ áp dụng cho 5 huyện ngoại thành. Đồng thời, định hướng phát triển sản phẩm OCOP gắn với 6 lĩnh vực, gồm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm - nội thất - trang trí, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.
Ông Phạm Quang Hợi, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết từ ngày 27 đến 29-10, tại Công viên Văn hóa Lê Thị Riêng (quận 10), trung tâm sẽ tổ chức "Tuần lễ sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng các vùng, miền năm 2023". Sự kiện có sự tham gia của 439 DN, với gần 1.200 sản phẩm tham gia, riêng sản phẩm OCOP có 756 sản phẩm đạt từ 3-5 sao.
Trong đó, TP HCM có 59 sản phẩm OCOP đạt từ 3-4 sao. Các chủ thể tham gia được miễn phí thuê gian hàng. "Đây là dịp để các chủ thể OCOP giới thiệu sản phẩm đến thị trường TP HCM và du khách quốc tế. Chúng tôi còn tổ chức kết nối cung cầu đặc sản vùng miền và sản phẩm OCOP đến các nhà bán lẻ, DN thương mại điện tử" - ông Hợi thông tin.
Theo ông Hợi, chương trình OCOP tại TP HCM có thuận lợi trong việc nhận chuyển giao các tiến bộ khoa học mới do có nhiều viện, trường, đơn vị nghiên cứu để chuyển giao cho các chủ thể OCOP. Đặc biệt, TP HCM có nhiều chương trình xúc tiến thương mại miễn phí và chính sách hỗ trợ lãi suất các chủ thể OCOP.
Tuy nhiên, ông Hợi cho rằng các chủ thể OCOP cần tăng sự chủ động trong việc cải tiến mẫu mã, bao bì để tạo sự đột phá sau khi được công nhận sản phẩm OCOP. Ngoài ra, có những sản phẩm mang đặc trưng TP HCM rất tiềm năng nhưng người dân ngại làm các hồ sơ, thủ tục tham gia chương trình OCOP.
Trên bình diện cả nước, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, cho hay hiện có 10.323 sản phẩm với tài nguyên bản địa từng địa phương, đã được cơ quan quản lý cấp chứng nhận OCOP.
Và trung tâm cũng đã có nhiều chương trình xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP ở các kênh truyền thống lẫn thương mại điện tử. "Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm OCOP, trước hết là thị trường ASEAN và Trung Quốc" - ông Tiến nói.
Mời người nổi tiếng tham gia
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty Meet More, cho biết tại sự kiện livestream ở Cần Giờ, DN ghi nhận kết quả tốt với 403 đơn hàng, doanh số hơn 31 triệu đồng. Thế nhưng, chỉ vài giờ sau, đơn hàng bị hủy hàng loạt, tỉ lệ lên đến 40% trong khi kênh của DN livestream hằng ngày hủy đơn dưới 5%. "Điều này cho thấy chương trình có ý tưởng tốt nhưng tổ chức thực hiện chưa ổn, một số TikToker không phù hợp với sản phẩm OCOP" - ông Luận thẳng thắn.
Ông Luận cho rằng TP HCM là nơi có đông văn nghệ sĩ nổi tiếng, có lượng người hâm mộ đông đảo nên các cơ quan chức năng có thể mời họ livestream cho các sản phẩm OCOP, tương tự như cách nghệ sĩ Xuân Bắc đã được mời livestream bán nông sản. Ngoài ra, các hội chợ OCOP TP HCM nên kết hợp livestream tại chỗ để thu hút người xem đến hội chợ cũng như tăng tỉ lệ mua hàng.