Sau whisky Scotland, sô-cô-la Cadbury và trà Ahmad, đâu sẽ là "mỏ vàng" tiếp theo của các nhà nhập khẩu Việt Nam từ thị trường Anh?
Năm 2023, Việt Nam nhập khẩu trực tiếp 63,9 triệu USD rượu whisky Scotland, chiếm 85% thị phần whisky tại Việt Nam. Tuy nhiên, sự hiện diện của các sản phẩm thế mạnh của Vương quốc Anh như cá hồi, hải sản có vỏ, phô mai… vẫn còn khiêm tốn. Theo lộ trình thực hiện 2 hiệp định thương mại UKVFTA – CPTPP, họ tin thực trạng này sẽ thay đổi trong tương lai gần.
Tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (gọi tắt là Anh) đã gia tăng gấp hơn 3 lần trong 1 thập kỷ qua. Trong 4 quý, tính từ quý III/2022 đến quý III/2023, tổng kim ngạch trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa Anh và Việt Nam đã tăng vọt lên mức kỷ lục, đạt khoảng 8 tỷ USD.
Cột mốc đáng chú ý nằm ở việc Anh mở rộng xuất khẩu sang Việt Nam và khiến giá trị hàng hóa đạt mức kỷ lục 1 tỷ USD vào 2023; top 5 mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất là đồ uống - thuốc lá, dược phẩm - vật tư y tế, bột giấy - giấy phế liệu, hàng dệt may, xe ô tô.
Phía ngược lại, hàng Việt Nam xuất sang Anh cũng đạt con số ấn tượng không kém, lên tới 6,35 tỷ USD với các sản phẩm chủ lực như thiết bị viễn thông & âm thanh, giày dép, quần áo, hàng tiêu dùng, cá & hải sản có vỏ.
Hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 41 của Anh, chiếm 0,4% tổng giá trị thương mại. Việt Nam là thị trường xuất khẩu hàng hóa đứng thứ 50 của Anh, chiếm 0,2% kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đứng thứ 22, chiếm 0,8% kim ngạch nhập khẩu. Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Âu và thứ 9 trên bình diện toàn cầu.
Tại Việt Nam, nông sản Anh cũng được người tiêu dùng ưa chuộng hằng ngày nhờ uy tín về chất lượng cao, sản xuất theo tiêu chuẩn hàng đầu thế giới về an toàn thực phẩm, sức khỏe và phúc lợi động vật.
Các sản phẩm Anh tại Việt Nam được nhập từ nhiều vùng của Vương quốc Anh, như rượu whisky Scotland, cua nâu Pembrokeshire, phô mai Stilton và hải sản ở vùng biển trong xanh Bắc Ireland", Đại sứ Anh tại Việt Nam – ông Iain Frew bày tỏ.
Cao ủy Martin Kent cũng chia sẻ thêm: dù trao đổi hàng hóa đa dạng, nhưng thực phẩm, đồ uống và nông sản hiện vẫn chiếm phần tương đối nhỏ trong tổng kim ngạch thương mại song phương.
Đồ uống (chủ yếu là rượu whisky) vẫn giữ tỷ trọng khá cao trong tổng số các mặt hàng xuất khẩu của Anh sang Việt Nam. Tuy nhiên, sự thiếu hụt các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của Anh như cá hồi, hải sản có vỏ, chocolate và phô mai trong danh mục xuất khẩu cho thấy khoảng trống mà các nhà xuất khẩu Anh cần lấp đầy tại thị trường Việt Nam. Tương tự, nông sản và thủy hải sản xuất khẩu từ Việt Nam sang Anh cũng chỉ mới chiếm 4,8%.
"Đấy không hẳn là sự thất vọng, thực trạng này cho thấy cơ hội tăng trưởng to lớn và quan trọng trong lĩnh vực thực phẩm – nông thủy hải sản của mỗi nước, dự kiến nó sẽ đóng vai trò đáng kể hơn trong định hình quan hệ thương mại giữa Anh – Việt Nam", Cao ủy Martin Kent nhận định.
"Mỏ vàng" whisky Scotland
Theo chia sẻ từ Vương quốc Anh, thì ngành công nghiệp đồ uống có cồn ở Việt Nam đang phát triển hết sức sôi động, ước tính đóng góp khoảng 2,4 tỷ USD cho ngân sách Nhà nước hằng năm.
Đặc biệt, rượu whisky Scotland có chỗ đứng vững chắc trên thị trường tiêu dùng Việt Nam, chiếm 85% thị phần. Năm 2023, Việt Nam đã nhập khẩu trực tiếp 63,9 triệu USD rượu whisky Scotland – tăng 220% so với 2019, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 25 trên toàn cầu của sản phẩm này, tính theo giá trị.
Theo lộ trình của Hiệp định Thương mại Tự do Anh – Việt Nam (UKVFTA) về giảm thuế nhập khẩu, thì whisky Scotland sẽ được giảm thuế từ 45% xuống còn 0% vào năm 2027. Cộng với sự gia tăng nhanh của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam trong vài năm gần đây, dư địa phát triển của 'trứng vàng' Anh này tại thị trường Việt vẫn còn.
Ở khía cạnh khác, hiện có 147 nhà máy chưng cất rượu whisky đang hoạt động ở Scotland tính đến tháng 2/2024. Theo thống kê, mỗi giây sẽ có 43 chai rượu whisky tiêu chuẩn được vận chuyển từ Scotland đến hơn 160 quốc gia trên khắp thế giới, tương đương nước này xuất khẩu 1,35 tỷ chai whisky mỗi năm.
Scotland cũng đã tự chủ được 90% nhu cầu lúa mạch cho ngành rượu. Năm 2022, rượu whisky chiếm 77% tổng xuất khẩu ngành F&B của Scotland và 26% của Anh.
Tiềm lực ấn tượng của ngành nông nghiệp Anh
Ngược lại, theo người Anh, dù ngành nông nghiệp – thực phẩm của họ phát triển top đầu thế giới, nhưng sự hiện diện ở Việt Nam vẫn còn hạn chế - kể cả những sản phẩm thế mạnh như cá hồi, hải sản có vỏ và thịt đông lạnh.
Nông nghiệp là ngành sản xuất lớn nhất của Anh, tạo việc làm cho gần 500.000 người và đóng góp gần 38 tỷ USD cho nền kinh tế chung. Năm 2022, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp Anh sang các nước ngoài EU vượt ngưỡng10 tỷ bảng Anh – đạt 14,2 tỷ USD.
Nhờ thế, Việt Nam đã lọt vào Top 3 thị trường xuất khẩu F&B của Anh trong khu vực này – cùng với Thái Lan và Singapore. Tuy nhiên, thực tế là xếp hạng của Việt Nam có thể cao hơn, nếu tính đến vai trò Singapore như là cửa ngõ vào Đông Nam Á, nên hầu hết hàng nhập khẩu vào đảo quốc này đều được tái xuất.
Về chất lượng: ngoài tuân thủ theo các quy chuẩn chung của thế giới, người Anh cũng đã đặt ra vài tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn cũng như chất lượng thực phẩm hết sức khắt khe.
Ví dụ như chứng nhận Red Tractor trong ngành F&B, tập trung vào 6 ngành: sữa, thịt bò – thịt cừu, gia cầm, thịt lợn, trái cây, rau quả và cầy trồng kết hợp. Người Anh đang tiến hành đăng ký, để Việt Nam cũng bảo hộ tiêu chuẩn này giống Nhật Bản hay Indonesia.
Trong khi Red Tractor đảm bảo chất lượng cho các sản phẩm trên cạn, thì người Anh còn có nhãn sinh thái MSC màu xanh của 'Hội đồng quản lý biển' nhằm xác định chất lượng, an toàn và tính bền vững cho tất cả các loại thực phẩm từ thủy hải sản. Đã có hơn 1.500 sản phẩm có chứng nhận MSC được liệt kê ở Anh cho 49 loài hải sản khác nhau, bao gồm cá tuyết Cornish, cua nâu Sheltland, nghêu và sò Poole Harbor.
Cấp độ được đảm bảo thứ ba tại Anh là thông qua chứng nhận 'RSPCA Assured', tập trung hoàn toàn vào phúc lợi động vật. Chứng nhận này được áp dụng trên toàn chuỗi cung ứng, từ khâu sinh sản cho đến giết mổ.
Anh hiện có 509.000ha đồng ruộng được canh tác hữu cơ, 3,1% tổng số gia súc ở Anh được nuôi theo phương pháp hữu cơ và tổng số DN nghiệp canh tác hữu cơ là 5.500.
"Một khảo sát của EGA thông qua 1.000 người ở 2 thành phố Hà Nội và HCM cho thấy: các sản phẩm thực phẩm và đồ uống của Anh nổi tiếng nhờ tiêu chuẩn chất lượng khắt khe và giá trị dinh dưỡng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Việt.
Ngành hàng chocolate cao cấp, trà đặc sản, bia thủ công và đồ ăn nhẹ tốt cho sức khỏe được ưa chuộng đặc biệt đáng kể. Điều này cho thấy, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để đưa những sản phẩm trong chương trình 'từ nông trại đến bàn ăn' đặc trưng của Anh như hải sản, thịt và gia cầm đến gần hơn với người tiêu dùng Việt", ông Iain Frew phân tích tiếp.
Với đường bờ biển dài và khí hậu lạnh giá, Anh có rất nhiều hải sản quý hiếm và thơm ngon, như cua nâu, cá hồi, hàu, tôm hùm… Tuy nhiên, thị phần hải sản Anh tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn nếu so với các nước xuất khẩu hải sản khác như Na Uy, Canada hay Mỹ. Năm 2022, Việt Nam nhập khẩu hải sản từ Anh đạt gần 1 triệu USD, thấp đáng kể nếu so với 260 triệu USD hải sản nhập từ Na Uy.
Thách thức ở thị trường 100 triệu dân
Dù thị trường 100 triệu dân Việt Nam vô cùng màu mỡ, nhưng cũng không dễ chinh phục. Để một sản phẩm F&B Anh thành công thâm nhập thị trường Việt Nam, nhà nhập khẩu Anh phải tìm được đơn vị phân phối trong nước xuất sắc, người hiểu rõ về những quy định và rào cản kỹ thuật cũng như thuế, luật sở hữu trí tuệ trong hệ thống quy phạm pháp luật Việt Nam; đồng thời nhất quán về chất lượng trong vận chuyển xuyên biên giới.
"Thực tế, ở thị trường Việt Nam, ngoài rượu whisky Scotland, có hai thực phẩm đến từ Anh nữa cũng quen mặt với người tiêu dùng là chocolate thương hiệu Cadbury và trà Ahmad.
Năm 2014, Mondelez đã mua lại Kinh Đô – công ty hàng đầu trong ngành bánh kẹo tại Việt Nam khi đó, điều này đã giúp thương hiệu Cadbury dễ dàng tiếp cận mạng lưới phân phối rộng khắp với hơn 300.000 cửa hàng trên toàn quốc. Sau nữa, nhờ những hiểu biết sâu sắc về thị trường nội địa của Mondelez – Kinh Đô, Cadbury có thể phát triển các sản phẩm phục vụ riêng cho khẩu vị người Việt.
Trà Anh thương hiệu Ahmad được du nhập vào Việt Nam năm 2013. Sau một thập kỷ, nhà nhập khẩu Phạm Lê Anh Tuấn đã giúp Ahmad chiếm vị trí thứ 3 về thị phần trà nhập khẩu tại Việt Nam. Thay vì sử dụng tên thương hiệu Ahmad để đặt tên website, thì anh Anh Tuấn đã chọn tên "Trà Anh Quốc" do người tiêu dùng Việt thường tìm kiếm như thế khi muốn mua trà nhập khẩu.
Câu chuyện của hai thương hiệu Cadbury và Ahmad cho thấy, bên cạnh giá trị thương hiệu và chất lượng, các nhà xuất khẩu Anh - nhập khẩu Việt cần thêm sự hỗ trợ từ 2 Chính phù ở khía cạnh marketing, truyền thông, kiến thức chuyên môn về thị trường – phân phối.
Chính vào thời điểm này, khi UKVFTA và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được áp dụng, các thương hiệu Anh có nhiều cơ hội xuất hiện trên quầy kệ hơn, là thời điểm vàng để chúng ta gây dựng tệp khách hàng trung thành và tệp khách hàng mới.
Mở rộng trải nghiệm khách hàng với các sản phẩm F&B ngoài phạm vi khách sạn, nhà hàng và quán ăn là quan trọng để đưa sản phẩm Anh trở thành sự lựa chọn hàng đầu trong các hộ gia đình trung lưu tại Việt Nam", Cao ủy Martin Kent khuyến nghị.