A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng tầm sâm Việt

Cây sâm sẽ trở thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, mang thương hiệu quốc gia và quốc tế

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký quyết định phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Trong đó, sẽ xây dựng và phát triển cây sâm Việt Nam trở thành thương hiệu quốc gia, góp phần phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Sẽ là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y - dược

Ở nước ta với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phong phú thích hợp cho nhiều loài sâm quý mọc trong rừng tự nhiên ở nhiều tỉnh, thành. Các loài sâm nổi tiếng như sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, hồng đẳng sâm, sâm đương quy… được phân bố ở nhiều tỉnh như Kon Tum, Quảng Nam, Lai Châu, Gia Lai…

Trong đó, sâm Ngọc Linh là loại sâm quý hiếm, có giá trị dược liệu và kinh tế được các nhà khoa học tại Việt Nam và trên thế giới đánh giá rất cao. Đây là loại sâm có hàm lượng vi chất saponin trong củ, thân, lá đứng đầu, vượt trội hơn hẳn so với các loại sâm trên thế giới.

Cây sâm đã mang lại giá trị kinh tế lớn, làm thay đổi đời sống kinh tế của bộ phận người dân nhờ trồng sâm. Trong những năm qua, các địa phương đã có nhiều chính sách để hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển cây dược liệu, trong đó có các loại sâm.

Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam lần này với mục tiêu xây dựng sâm Việt Nam thành thương hiệu quốc gia. Đưa sâm Việt Nam thành sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y - dược, chăm sóc sức khỏe, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia.

Các địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi như Kon Tum, Quảng Nam, Gia Lai… sẽ đánh giá việc phân bổ, diện tích, trữ lượng các loài sâm có trong tự nhiên để đề xuất vùng trồng cho phù hợp.

Phấn đấu đến năm 2030, sản lượng của sâm Việt Nam sẽ đạt khoản 300 tấn/năm. Các sản phẩm này sẽ bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ, đạt các tiêu chuẩn đề ra.

Nâng tầm sâm Việt - Ảnh 1.

Cây sâm góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nâng tầm sâm Việt - Ảnh 2.

Sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh

Nâng tầm sâm Việt - Ảnh 3.

Nâng tầm sâm Việt - Ảnh 4.

Củ sâm Ngọc Linh

Vươn ra thế giới

Để đưa sâm Việt Nam ra thế giới, chương trình phát triển sâm Việt Nam cũng đã đặt ra các giai đoạn, mục tiêu để bảo đảm quá trình thực hiện. Trong đó, từ nay đến năm 2030 sẽ chú trọng vào việc bảo tồn nguồn gien cây sâm ngoài tự nhiên gắn với bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng. Đến năm 2030, diện tích trồng sâm Việt Nam đạt khoảng 21.000 ha, tất cả sẽ được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý.

Trong giai đoạn này, việc đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến và chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Việt Nam cũng được thực hiện song song, gắn với việc phát triển vùng nguyên liệu.

Định hướng đến năm 2045 phát triển sâm Việt Nam trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho các địa phương, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm lớn trên thế giới.

Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, Bộ NN-PTNT được chính phủ giao chủ trì phối hợp với các bộ liên quan nghiên cứu, chọn, tạo giống sâm Việt Nam. Trong đó tập trung chọn, tạo giống các loại sâm quý như sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu.

Các tỉnh có tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên phù hợp cho việc nuôi trồng, phát triển sâm Việt Nam: Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên - Huế, Nghệ An, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên có nhiệm vụ gây trồng, phát triển vùng nguyên liệu. Trong đó, phát triển vùng nguyên liệu sâm Việt Nam quy mô hàng hóa tại các tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum và Lai Châu.

Chính phủ yêu cầu các địa phương phải chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu, thị trường và xúc tiến thương mại phát triển cây sâm trong nước và quốc tế. Để làm được điều này, Bộ Công Thương phải phối hợp với UBND các tỉnh để tổ chức triển lãm giới thiệu sản phẩm sâm Việt Nam gắn với phát triển du lịch cộng đồng thông qua tổ chức lễ hội văn hóa sâm hằng năm. Tại đây, các nét đặc sắc về văn hóa của người đồng bào dân tộc thiểu số vùng miền núi các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Lai Châu được quảng bá.

Những năm qua, thủ phủ của Sâm Ngọc Linh là huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đã có nhiều mặt hàng được xuất khẩu như nghệ, gừng, tỏi, sâm dây. Tại đây, những mặt hàng dược liệu xuất khẩu có quy trình trồng, chăm sóc đều theo tiêu chuẩn kỹ thuật cao, nghiêm ngặt, đạt chứng nhận hữu cơ. Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 của Chính phủ sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế cho các địa phương. Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết địa phương này có rất nhiều loài dược liệu có giá trị đang được mở rộng vùng nguyên liệu. Hiện nay, có một nhà máy chế biến đã được đầu tư. Khi nhà máy này đi vào hoạt động, các sản phẩm từ dược liệu có giá trị, có nguồn gốc từ huyện Tu Mơ Rông sẽ xuất đi khắp các nơi. 

Chương trình Phát triển sâm Việt Nam nêu rõ Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sâm Việt Nam, bảo đảm các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; khuyến khích các tổ chức hình thành các phòng kiểm định nguồn gốc, chất lượng sâm Việt Nam đạt tiêu chuẩn GLP tại các vùng trọng điểm nuôi trồng và chế biến sản phẩm sâm; hướng dẫn xây dựng các chính sách hỗ trợ, xây dựng thương hiệu sâm Việt Nam, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại các sản phẩm sâm Việt Nam; hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sâm Việt Nam trong công tác xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu, đáp ứng tiêu chí xét chọn sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia.

Tác giả: Bài và ảnh: Hoàng Thanh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết