A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Môi giới bất động sản có giao dịch khi thị trường trầm lắng: “Vui hơn cả lúc sốt đất!”

Thanh khoản bất động sản vẫn duy trì ở mức thấp, nhiều môi giới đã phải bỏ nghề sang lĩnh khác. Bên cạnh đó, những môi giới cố bám trụ với nghề vỡ òa khi có giao dịch trở lại sau một thời gian dài.

 

Môi giới bất động sản có giao dịch khi thị trường trầm lắng: “Vui hơn cả lúc sốt đất!” - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Đã hơn 1 năm kể từ ngày thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng. Thanh khoản trên thị trường liên tục sụt giảm khiến nhiều môi giới bất động sản phải chuyển nghề hoặc bỏ nghề. Song, bên cạnh đó vẫn có một số môi giới quyết tâm bám trụ với nghề phải chật vật để tìm kiếm giao dịch thành công.

Trải qua một thời gian dài với nhiều hướng xoay sở tìm kiếm khách hàng, đến khi có giao dịch thành công môi giới phải thốt lên: “Vui hơn cả lúc sốt đất!”. Anh Nguyễn Văn Tuân, môi giới bất động sản tại Bắc Giang mới đây vui mừng khoe chốt thành công 2 lô đất nền.

“Từ giữa năm ngoái, thị trường Bắc Giang đã rơi vào trầm lắng, cuối năm giao dịch ở mức rất thấp. Theo đó, cuối năm 2022 tôi có một giao dịch 3 lô đất ngộp. Sang đến đầu năm 2023 thị trường trong khu vực gần như đóng băng, vì không có giao dịch nên rất nhiều đồng nghiệp của tôi đã chuyển nghề. Nhưng tôi vẫn cố bám trụ. Thời gian này, để duy trì với công việc môi giới tôi cũng phải bươn chải với các nghề khác kiếm sống”, anh Tuân nói.

Anh Tuân cho biết, thời điểm đầu năm nhà đầu tư ở nhiều nơi vẫn liên lạc để hỏi về tình hình nhà đất. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn có tâm lý rụt rè, sợ rằng mua hôm ngay mai giá có thể rẻ hơn. Theo đó, dù đã có một vài thương vụ tưởng như sắp chốt nhưng anh Tuân vẫn “trắng tay”.

Dù vậy, anh Tuân vẫn không nản lòng mà tiếp tục liên hệ tới các khách đã từng giao dịch để giới thiệu sản phẩm. Người môi giới này nói: “Từ giữa tháng 5, tôi đã dẫn một số khách hàng đi xem đất, sau đó cũng không thấy liên lạc lại. Tuy nhiên, điều này cho thấy nhà đầu tư cũng đã muốn xuống tiền mua bất động sản”.

Đến cuối tháng 5, anh Tuân nhận được 2 lô đất ngộp từ chủ đất nhờ rao bán. Chủ mong muốn bán với giá 5 tỷ đồng, trong khi đầu năm ngoái 2 lô này có giá khoảng 8 tỷ. Anh Tuân nhanh chóng gửi thông tin cho những nhà đầu tư đã liên lạc với tôi trong thời điểm đó. Mới đây, các lô đất này đã hoàn tất sang tên cho chủ mới. Với thương vụ này, môi giới được nhận hơn 70 triệu đồng tiền hoa hồng.

“Mặc dù trong 6 tháng mới kiếm được 70 triệu đồng từ môi giới bất động sản, thấp hơn rất nhiều so với thời điểm thị trường sôi động. Nhưng tôi thấy vui hơn cả lúc sốt đất, không khác gì nắng hạn gặp mưa rào”, người này chia sẻ.

Anh Tuân là một trong những trường hợp môi giới cố bám trụ lại với nghề, song cũng phải vận dụng linh hoạt các hình thức để tồn tại. Thực tế, thời gian gần đây thanh khoản bất động sản có dấu hiệu tăng trở lại, song vẫn ở mức thấp. Hơn nữa, giao dịch thành công đa phần đến từ các bất động sản ngộp hoặc cắt lỗ sâu. Trước bối cảnh thanh khoản vẫn thấp nhiều môi giới đã tỏ ra chán nản và bỏ nghề.

Môi giới bất động sản có giao dịch khi thị trường trầm lắng: “Vui hơn cả lúc sốt đất!” - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Theo khảo sát của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), số lượng môi giới bất động sản hiện nay hoạt động trên thị trường chỉ còn khoảng 30%-40% so với thời điểm cuối năm 2022.

"Hiện tượng này diễn ra trong khoảng thời gian dài, với từng đợt giảm dần, giảm dần và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại", VARS nhận định.

Theo báo cáo của VARS, lượng môi giới bất động sản bỏ nghề phần lớn là các nhân viên mới làm hoặc những người tay ngang, chưa được đào tạo bài bản về nghề cũng như khả năng ứng biến trước các tình huống khó khăn của thị trường. Tuy nhiên, vẫn có một điểm sáng được ghi nhận là trên 95% môi giới còn hoạt động cho biết họ vẫn sẽ tiếp tục gắn bó với nghề cho dù thị trường có khó khăn.

“Hiện tượng sụt giảm số lượng môi giới bất động sản trở thành làn sóng càn quét trên quy mô rộng khắp các địa phương trên cả nước. Số lượng môi giới hoạt động chỉ còn khoảng 30 - 40% so với thời điểm cuối năm 2022. Thị trường ghi nhận 1 lượng lớn môi giới bất động sản phải nghỉ việc cả vì lý do chủ động (do thu nhập không đủ sống), và bị động (do Doanh nghiệp sa thải, Doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, Doanh nghiệp phá sản...). Số môi giới bất động sản bám trụ lại với nghề phải vận dụng linh hoạt đủ mọi hình thức để có thể tồn tại như đa dạng hóa lĩnh vực, tìm kiếm việc làm thêm”, VARS cho biết.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, phần lớn môi giới nghỉ việc ở thời điểm này là những người trẻ, tay ngang vào nghề, chạy theo đám đông, không có tích lũy tài chính. Còn những môi giới lâu năm trong nghề và có tích lũy tài chính thì vẫn có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này, chờ thị trường phục hồi để quay trở lại.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...