Loạt sữa giả vẫn ngang nhiên rao bán trên chợ mạng
Hiện vẫn còn một số gian hàng trên nền tảng thương mại điện tử quảng cáo và bán sản phẩm sữa giả do Công ty Rance Pharma sản xuất.
Sản phẩm sữa bột giả được sản xuất. Ảnh: VTV
Website, Fanpage biến mất nhưng sản phẩm vẫn tràn lan
Bộ Công an vừa khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can liên quan đến vụ sản xuất, buôn bán sữa bột giả xảy ra tại Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group. Các bị can bị điều tra về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Hiện website và Fanpage của các công ty thuộc đường dây này đều đã mất truy cập. Tuy nhiên, trước đó, sản phẩm của họ từng được quảng bá rộng rãi và phân phối qua hệ thống cửa hàng bỉm sữa, siêu thị tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Một số dòng sản phẩm sữa bột giả phổ biến được tiêu thụ trên thị trường bao gồm: Cilonmum do Công ty Cổ phần Dược quốc tế Group phân phối, với các sản phẩm như: Cilonmum Colos Baby 24h, Cilonmum Colos Pedia 24h, Cilonmum For Mum Colostrum 24h, Cilonmum Gludiabet Colostrum 24h, Cilonmum Kid Goat Colostrum 24h, Cilonmum Pedia Goat Colostrum 24h và Cilonmum Diasure Colostrum 24h.
Theo ghi nhận của Lao Động, ngay sau thông tin phát hiện đường dây sản xuất sữa giả, nhiều nhãn sữa đã "bay màu" khỏi kênh phân phối offline và online như Cilonmum, Talacmum, NewSure Colos 24H Kid Plus; Baby Care Colostrum Kid; Bold Milk… Tuy nhiên, vẫn có một số gian hàng trên nền tảng thương mại điện tử như Shopee, website bán thuốc quảng cáo và bán sản phẩm này.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, trên Shopee, một gian hàng mang tên "Sữa CilonMum chính hãng" vẫn đang bày bán các sản phẩm do Rance Pharma sản xuất. Cửa hàng "M.D Baby" trên Shopee cũng rao bán sữa CilonMum với giá 450.000 đồng, sữa Colos 24H Premium giá 210.000 đồng cho một thùng 48 gói (110ml/gói).
Nhiều cửa hàng online vẫn rao bán các sản phẩm sữa giả do Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma sản xuất. Ảnh chụp màn hình
Trên website Hệ thống Nhà thuốc Việt (Viet Pharmacy), sản phẩm Cilonmum Canxi Colostrum 24h ngừa loãng xương lon 900g được rao bán với giá 489.000 đồng, kèm mô tả thành phần gồm canxi, vitamin K2 (MK7), tổ yến, bột macca và đông trùng hạ thảo. Đây cũng chính là những thành phần đã được cơ quan điều tra xác định là không có trong sản phẩm thực tế.
Theo thông tin giới thiệu trên website này, sản phẩm Cilonmum Canxi Colostrum 24h có xuất xứ từ Việt Nam, do Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma sản xuất và Công ty Cổ phần Dược quốc tế Group phân phối.
Các đại lý không còn nhập
Khác với các nền tảng thương mại điện tử, khảo sát tại các cửa hàng tạp hóa và đại lý bỉm sữa ở Hà Nội, các sản phẩm của Rance Pharma hiện không còn được bày bán.
Chị Nguyễn Thơm - chủ một cửa hàng sữa trên đường Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) - cho biết: "Chúng tôi không bán những dòng sữa này. Trước đây cũng có nhân viên tiếp thị đến chào hàng nhưng vì không rõ nguồn gốc nên tôi không nhập".
Khảo sát tại các cửa hàng tạp hóa và đại lý bỉm sữa ở Hà Nội, các sản phẩm của Rance Pharma hiện không còn được bày bán. Ảnh: PV
Đáng chú ý, trong gần 600 loại sữa giả kể trên, Cilonmum là loại sữa từng được một số diễn viên và MC nổi tiếng trực tiếp quảng cáo.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) - cho rằng, đây là một trong những vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, có hàng nghìn người bị thiệt hại, gây bức xúc trong xã hội và đe dọa đến sức khỏe của người tiêu dùng.
"Đáng nói, để bán được số lượng hàng giả, hàng kém chất lượng khổng lồ như vậy, các đối tượng sử dụng rất nhiều chiêu trò quảng cáo thổi phồng công dụng, tác dụng biến sữa như thần dược, như một sản phẩm thần kỳ có thể làm cho trẻ em cao lớn nhanh chóng, khỏe mạnh, thông minh, người già khỏi bệnh... khiến nhiều người tin tưởng.
Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi quảng cáo sai sự thật, quảng cáo gian dối và xử lý đối với những người đã tiếp tay cho các hoạt động bán hàng giả này để xử lý theo quy định của pháp luật.
"Hành vi quảng cáo gian dối, vi phạm luật quảng cáo là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi quảng cáo gian dối sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với những đối tượng sản xuất hàng giả, ông Cường phân tích: Hành vi làm giả hàng hóa là thực phẩm rất đáng lên án, làm giả thực phẩm là sữa bột còn đáng lên án hơn. Điều này tác động tiêu cực đối với những người đặc biệt trong xã hội đó là người già, trẻ em và người bệnh.
"Những người trong đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột giả có thể đối diện với mức án cao nhất là tù chung thân", ông Cường nói.
Theo thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, từ năm 2021 đến nay, đường dây này đã sản xuất tới 573 nhãn hiệu sữa bột dành cho các nhóm đối tượng đặc thù như người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ mang thai.
Trên bao bì, nhóm đối tượng quảng cáo các sản phẩm có thành phần cao cấp như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... tuy nhiên thực tế các sản phẩm này không hề chứa các nguyên liệu đã công bố. Thay vào đó, chúng chỉ được pha trộn từ một số nguyên liệu thông thường và phụ gia rẻ tiền.