A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đất nền tăng giá cục bộ, cảnh báo rủi ro lướt sóng

Giá đất nền vùng ven Hà Nội và các tỉnh lân cận tăng mạnh. Chuyên gia cảnh báo rủi ro lớn cho nhà đầu tư lướt sóng khi giá bị đẩy lên quá cao.

Đất nền tăng giá cục bộ, cảnh báo rủi ro lướt sóng

Chuyên gia cảnh báo rủi ro từ dấu hiệu sốt đất nền cục bộ. Ảnh: Tuyết Lan

Thị trường đất nền tại vùng ven Hà Nội và các tỉnh lân cận đang ghi nhận mức tăng giá đáng kể trong khoảng một năm trở lại đây. Mặc dù dòng tiền đầu tư bắt đầu quay trở lại, nhưng đà tăng giá mạnh ở một số khu vực cũng khiến những rủi ro từ sốt đất cục bộ bắt đầu xuất hiện, đặc biệt đối với những nhà đầu tư lướt sóng.

Tại Hà Nội, giá đất nền ở nhiều khu vực ngoại thành đang trên đà tăng mạnh. Khu vực Đông Anh ghi nhận mức giá trung bình từ 60-90 triệu đồng/m2, cá biệt có những lô đẹp gần trục đường lớn chạm mốc 120 triệu đồng/m2, thậm chí nhiều khu vượt 150 triệu đồng/m2.

Giá đất nền Mê Linh cũng tăng mạnh, nhiều vị trí trước đây chỉ dao động từ 20-30 triệu đồng/m2, nay đã tiệm cận mức 40-50 triệu đồng/m2. Hoài Đức, đặc biệt là quanh các trục đường dẫn về đại đô thị lớn, đặc biệt tại một số khu vực như An Khánh, Kim Chung, Song Phương, Vân Canh đang giao dịch phổ biến ở mức 70-110 triệu đồng/m2, cao hơn khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước. Thanh Oai và Chương Mỹ, nơi có lợi thế về quỹ đất rộng và giá rẻ, cũng tăng trung bình 30-40%, lên mức 25-40 triệu đồng/m2.

Xu hướng tăng giá đất nền lan rộng ra các tỉnh lân cận Hà Nội, giá đất ghi nhận mức tăng đáng kể. Bắc Ninh, đặc biệt là Từ Sơn và Quế Võ, có mức giá trung bình từ 40-75 triệu đồng/m2, tăng khoảng 35% so với đầu năm 2024. Hưng Yên, với sự phát triển mạnh của các khu công nghiệp, cũng chứng kiến sự tăng giá đáng kể ở Văn Giang và Mỹ Hào, với mức tăng từ 25-50%. Thậm chí, tại một số khu vực giáp ranh Hà Nội như Yên Mỹ hay Khoái Châu, giá đất nền cũng tăng 20-30% trong vòng chưa đầy một năm.

Sự tăng giá này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, việc thúc đẩy hạ tầng, đặc biệt là dự án đường Vành đai 4, đã tạo động lực lớn cho các khu vực nằm trên tuyến quy hoạch. Cùng với đó, nguồn cung căn hộ chung cư ngày càng khan hiếm, đẩy dòng tiền sang phân khúc đất nền như một lựa chọn đầu tư thay thế. Tâm lý nhà đầu tư cũng có sự thay đổi, khi họ quay trở lại với thị trường bất động sản sau một thời gian dài nghe ngóng và chờ đợi.

Dù vậy, sự tăng giá nhanh chóng của đất nền cũng kéo theo nhiều rủi ro, đặc biệt đối với những người có ý định lướt sóng ngắn hạn. Anh Trần Mạnh Hùng - một nhà đầu tư tại Hà Nội - cho biết: “Tôi thấy nhiều khu vực giá bị đẩy lên cao nhưng thanh khoản thực tế lại không nhiều. Nhiều người kỳ vọng lướt sóng kiếm lời nhanh nhưng thực tế đang khá khó bán. Nếu không nắm rõ thị trường mà mua theo phong trào thì rất dễ rủi ro".

Nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, sự nóng lên cục bộ của đất nền không phản ánh “sức khỏe” toàn diện của thị trường bất động sản.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - nhận định, giao dịch đất nền vùng ven trong những tháng gần đây tăng nhiệt nhưng chưa thực sự sôi động. Cá biệt, tại khu vực phía Bắc, một số vùng ven Hà Nội có dấu hiệu sốt cục bộ, một số khu vực có hiện tượng giao dịch tăng trưởng rồi lại đi ngang. Thị trường xuất hiện nhiều hơn các nhà đầu tư đi “săn” đất.

Trong bối cảnh này, các chuyên gia, những người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực bất động sản khuyến nghị nhà đầu tư cần tỉnh táo, tránh chạy theo xu hướng nhất thời.

Anh Vũ Quang Linh - một môi giới đất nền tại Mê Linh - chia sẻ: “Lượng giao dịch tăng, nhưng chủ yếu tập trung vào những khu vực có quy hoạch rõ ràng, có tiềm năng thực sự. Còn với những khu vực bị thổi giá, nếu không có yếu tố hỗ trợ từ hạ tầng hoặc dân cư thực tế, sẽ rất khó có thanh khoản".


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...