Đặc sản đua nhau xuất ngoại dịp Tết
Doanh nghiệp đang khẩn trương chuẩn bị các đơn hàng đặc sản cho kiều bào đón Tết bởi thời gian vận chuyển lâu
Nhiều mặt hàng được ưa chuộng
Các hộp hải sản của Vua Cua được đóng gói 500 g bán với giá 25-27 USD, tôm càng 23-24 USD, ốc hương 19-22 USD.
Theo bà Thư, doanh nghiệp (DN) của bà đang thực hiện đơn hàng 11 tấn cho đối tác để phân phối đến 200 điểm bán tại các chợ, siêu thị ở Mỹ. Theo đó, từ nay đến Tết, DN sẽ đưa hàng qua Mỹ bằng đường hàng không để phục vụ kiều bào ăn Tết.
Sau đó, sẽ chuyển sang vận chuyển bằng đường biển để hạ giá thành và dễ tiêu thụ hơn. Trong tương lai, doanh số từ xuất khẩu có thể đóng góp 50% cho Vua Cua nhờ đơn hàng sản lượng lớn.
Còn ông Lê Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại Dịch vụ Lê Gia (Thanh Hóa), cho biết so với cùng kỳ, các loại mắm truyền thống của DN xuất khẩu tăng gần 30% nhờ DN mở thêm nhiều thị trường mới.
"Ngoài mắm tôm, nước mắm, các mặt hàng giá trị gia tăng như ruốc tép, kho quẹt… cũng được khách hàng nước ngoài (chủ yếu là kiều bào) ưa chuộng. Chúng tôi đang nghiên cứu cải tiến sản phẩm để có thể xuất khẩu lượng lớn hơn" - ông Lê Anh nói.
Tương tự, Công ty TNHH Gạo Ngon Nhất (TP HCM) đến thời điểm này đã xuất được khoảng 70 tấn gạo ST25 phục vụ Tết cho kiều bào và cộng đồng người châu Á. Ông Nguyễn Lưu Tường, giám đốc công ty, chia sẻ: "Tết năm ngoái, chúng tôi chỉ xuất khẩu gạo ST25 sang Mỹ thì năm nay có thêm thị trường Singapore, Trung Quốc. Những thị trường này khách hàng quen với gạo thơm Thái Lan, nay bắt đầu làm quen với gạo Việt Nam".
Ông Tường cũng nói thêm giá xuất khẩu giao hàng tới cảng Mỹ gạo ST25 là 1.300 USD/tấn trong khi gạo thơm Thái Lan là 1.150 USD/tấn nhưng ST25 vẫn bán được nhờ chất lượng ngon hơn.
Còn bà Mai Thị Thùy Trang, Giám đốc Công ty TNHH Tài Thịnh Phát (tỉnh Cà Mau) - cung ứng các loại tôm khô xuất khẩu, nhận xét năm nay kinh tế khó khăn nên kiều bào ưu tiên hàng giá rẻ. "So với cũng kỳ năm ngoái, lượng hàng cung ứng xuất khẩu giảm 30%-40% và khách hàng yêu cầu đóng gói túi nhỏ hơn. Trước đây chúng tôi đóng gói 500 g thì nay quy cách phổ biến chỉ 200 - 300 g/túi" - bà Trang dẫn chứng.
Cũng theo bà Trang, năm nay DN đưa ra sản phẩm mới là tôm thẻ khô thiên nhiên với giá 1,3 triệu đồng/kg bên cạnh sản phẩm truyền thống là tôm đất khô thiên nhiên giá 2,1 triệu đồng/kg. "Tôm thẻ khô nhạt hơn tôm đất khô nên thích hợp khi nấu canh, trộn củ kiệu hay các món ăn khác" - bà Trang gợi ý.
Phủ sóng "hương vị quê hương"
Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chế biến Thực phẩm công nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods), cho hay kinh tế đang khó khăn, dự báo kiều bào ít về Việt Nam ăn Tết nên các nhà nhập khẩu sẽ tăng lượng hàng.
"Năm nay, danh mục Sông Hương Foods xuất khẩu khá nhiều sản phẩm, từ các loại mắm truyền thống như cà pháo, củ kiệu, tôm chua… đến các loại bánh như: bánh nậm, bánh lọc, xôi khúc, bánh cam, bánh giò…
Thị trường chính vẫn là Mỹ vì có đông kiều bào. Với kinh nghiệm của chúng tôi, DN phải liên tục nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đặc biệt là những sản phẩm tiện lợi, ăn ngay để phù hợp cuộc sống bận rộn của kiều bào" - ông Tuấn lưu ý.
Bà Dziễm Chinh, sáng lập CTWS Group (bang Texas - Mỹ) - chuyên nhập khẩu các đặc sản Việt Nam vào Mỹ, thông tin mùa Tết năm nay, bên cạnh mặt hàng thế mạnh là trái cây tươi, công ty đã nhập hơn 700 mặt hàng để chuẩn bị phục vụ cộng đồng người Việt, chủ yếu là các loại thực phẩm, bánh mứt, hộp quà Tết, những món truyền thống trên bữa ăn gia đình mỗi dịp Xuân về. Trong đó có 3 dòng sản phẩm mới được nhập khẩu lần đầu là bưởi Diễn (Hà Nội), gạo ST25 lúa tôm thương hiệu Cỏ May (Đồng Tháp) và hải sản thương hiệu Vua Cua.
Về sức mua hàng Tết tại Mỹ, bà Chinh cho hay dù tình hình chung sức mua có thể giảm nhưng nhờ CTWS Group chọn được những sản phẩm tốt và đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng vào dịp Tết nên sức mua có thể tăng.
Đó là những sản phẩm chất lượng cao, giữ trọn hương vị quê hương cùng với các hoạt động quảng bá và tạo ấn tượng cho sản phẩm đối với người tiêu dùng tại Mỹ.
Giữ hồn đặc sản Việt
Với kinh nghiệm hơn 20 năm phân phối hàng Việt trên đất Mỹ, bà Dziễm Chinh khuyên các DN nên tập trung vào chất lượng và bao bì sản phẩm, tạo dấu ấn văn hóa Việt Nam rõ nét. Ngoài ra, phải nắm bắt xu hướng thị trường và tạo sự khác biệt trong chiến lược marketing và quảng bá sản phẩm.
"Là DN luôn mong muốn gìn giữ truyền thống văn hóa Việt tại Mỹ nên trong khâu tuyển chọn các mặt hàng để phân phối, CTWS Group luôn có tiêu chí là làm sao hài hòa giữa việc luôn có những sản phẩm mới, sáng tạo, bảo đảm chất lượng để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng nhưng vẫn dựa trên "chất liệu" và "cái hồn" của các mặt hàng đặc sản Việt Nam" - bà Chinh nói.