A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chi 3 tỷ USD gom mua, loại hạt từ Bờ Biển Ngà đổ bộ Việt Nam

Các doanh nghiệp Việt đã chi hơn 3 tỷ USD để gom mua hạt điều từ nhiều quốc gia trên thế giới trong 11 tháng qua. Theo đó, hàng của Bờ Biển Ngà và Campuchia đổ bộ thị trường Việt Nam.

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, 11 tháng năm 2023, các doanh nghiệp sản xuất và chế biến hạt điều của nước ta đã chi ra 3,07 tỷ USD để nhập khẩu gần 2,66 triệu tấn hạt điều. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng hạt điều nhập khẩu tăng mạnh 46,5%, giá trị tăng 19,2%.

5 thị trường cung cấp hạt điều lớn nhất cho Việt Nam gồm: Bờ Biển Ngà, Campuchia, Nigeria, Ghana và Tanzania. Trong đó, hạt điều nhập từ Bờ Biển Ngà và Campuchia chiếm 57,5% tổng giá trị nhập khẩu toàn ngành điều trong 11 tháng qua.

Tuy nhiên, cơ cấu thị trường nhập khẩu điều có sự thay đổi. Nước ta giảm nhập từ Campuchia và Tanzania nhưng tăng nhập từ Bờ Biển Ngà, Nigeria và Ghana.

Cụ thể, lượng điều nhập khẩu từ Bờ Biển Ngà lên tới 850 nghìn tấn, giá trị đạt 919,3 triệu USD, tăng 86,6% về lượng và tăng 56,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều nhập từ Nigeria tăng đột biến 133,2% về lượng và tăng 89,7% về giá trị.

Lượng điều nhập từ Ghana cũng tăng 71%, giá trị tăng 45,5%.

Ngược lại, điều nhập từ Campuchia giảm còn 613,2 nghìn tấn, giá trị đạt 835,3 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái giảm 13,8% về lượng và giảm 23,3% về giá trị. Dù vậy, Campuchia vẫn là thị trường cung cấp điều thô lớn thứ hai cho Việt Nam, chỉ xếp sau Bờ Biển Ngà.

Lý giải về lượng điều nhập khẩu tăng mạnh, chuyên gia trong ngành cho rằng giá loại hạt này thời gian qua ở mức thấp, doanh nghiệp tranh thủ gom mua lượng lớn về làm nguyên liệu chế biến.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp chế biến điều chưa chủ động được nguồn nguyên liệu. Nguồn cung hạt điều thô nội địa mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% công suất chế biến, 70% nguyên liệu phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu.

Để thúc đẩy ngành điều phát triển, lãnh đạo Hiệp hội Điều Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp chế biến cần chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; hỗ trợ, ký kết hợp đồng thu mua với người trồng điều để có nguồn nguyên liệu ổn định. Qua đó, giảm sự lệ thuộc vào nguồn cung điều thô từ nước ngoài, nâng cao sức cạnh tranh cho chế biến xuất khẩu điều của nước ta.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...