A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cà phê robusta Việt Nam tìm đường ra thế giới

Nông dân Việt Nam đang cố gắng "xoay chuyển vận may" của cà phê robusta khi hiện tượng biến đổi khí hậu đang đe dọa sự sống còn của ngành công nghiệp toàn cầu này.

Cà phê robusta Việt Nam tìm đường ra thế giới

Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới. Ảnh: Vietnam Coffee Group

Đắng và đậm mùi thơm của đất - đó là các tính từ có thể miêu tả hạt cà phê robusta. Theo AFP, tuy loại cà phê này từng ghi nhận những ý kiến không mấy tích cực, nhưng nhiều nông dân Việt Nam đang cố gắng "xoay chuyển vận may" của hạt robusta khi hiện tượng biến đổi khí hậu đang đe dọa sự sống còn của ngành công nghiệp toàn cầu này.  

Là một nhà thiết kế nội thất ở Thành phố Hồ Chí Minh, chị Trần Thị Bích Ngọc trước đây không uống cà phê Việt Nam vì hương vị không ngon bằng những tách cà phê từ nước ngoài.

Tuy nhiên, sau gần một thập kỷ, chị Ngọc đã là chủ một trang trại cà phê của riêng mình - Mori - ở Tây Nguyên và trồng loại cà phê robusta mà chị tin rằng chúng có thể sánh ngang với loại cà phê hàng đầu thế giới, arabica, về cả chất lượng lẫn hương vị.

"Những hạt cà phê của tôi có mùi trái cây, hương hoa và vị của chúng đậm đà nhưng rất dịu. Tôi tin rằng những người nông dân Việt Nam có thể làm những hạt cà phê này trở nên thơm ngon hơn" - chị Ngọc chia sẻ.

Định kiến về sự "thấp kém" của robusta

Mặc dù từ lâu đã bị những ông lớn như Starbucks "coi thường", cà phê robusta - loại cà phê có hàm lượng caffein gần gấp đôi cà phê arabica - hầu hết được tìm thấy trong các loại cà phê hòa tan, cũng như một số loại cà phê espresso.

Mario Fernandez - thành viên của Hiệp hội Cà phê Đặc sản (SCA) - cho biết, hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng loại cà phê này có tiềm năng nhưng lại bị gắn mác "chất lượng kém".

Ông Fernandez nói: "Hạt cà phê robusta của chúng tôi chất lượng kém nên bị mang tiếng xấu là điều dễ hiểu, không ai muốn trả giá cao cho nó đồng nghĩa với việc chúng tôi không có động lực để cải thiện chất lượng".

Nhưng robusta có những lợi thế rõ rệt so với đối thủ cạnh tranh: Sản lượng cao hơn và chất lượng không bị biến đổi khi phải đối mặt với hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Biến đổi khí hậu là mối quan tâm lớn nhất đối với ngành công nghiệp cà phê toàn cầu, nhất là khi các nhà khoa học dự đoán rằng năng suất trồng sẽ thấp hơn và không còn nhiều diện tích thích hợp để trồng cà phê.

Cà phê arabica - chiếm khoảng 60% sản lượng cà phê của thế giới - có nguồn gốc ở vùng cao nguyên Ethiopia và Nam Sudan, nhiệt độ trồng trung bình hàng năm khoảng 19 độ C.

Robusta, dù không có nghĩa là sẽ không bị ảnh hưởng khi thế giới đang nóng lên, nhưng loại hạt này có thể chịu được nhiệt độ lên tới khoảng 23 độ C.

Bà Phạm Thị Điệp Giang - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên Legend - cho biết: "Nếu sản lượng arabica toàn cầu giảm, chúng ta sẽ phải tìm nguồn cung thay thế".

Tại một hội chợ cà phê ở thành phố Buôn Ma Thuột, ông Hoàng Mạnh Hùng - một nông dân trồng cà phê lâu năm, đã cố gắng thuyết phục khách hàng thưởng thức từng ngụm cà phê robusta đậm đà vị trái cây của mình.

"Tôi mong muốn nhiều người sẽ yêu thích cà phê robusta hơn, vì nó thực sự là một loại thức uống gây ấn tượng mạnh" - ông Hùng nói.

"Bây giờ chúng tôi đã có thể sản xuất ra loại cà phê robusta với hương vị hoàn toàn mới lạ, một mùi thơm mà bất kỳ ai cũng thích", ông Hùng nói thêm.

Cà phê robusta quyết tâm lấy lại vị thế

Robusta lần đầu tiên được người Pháp đưa đến Việt Nam vào cuối thế kỷ 19. Vào năm 1991, Việt Nam đã xuất khẩu 104.000 tấn hạt cà phê đầu tiên.

Đến năm 2022, con số đó đã tăng lên 1,8 triệu tấn - gần như tất cả là nguyên liệu chưa qua chế biến cho cà phê hòa tan và các loại hỗn hợp khác - khiến Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất robusta lớn nhất thế giới và là nước sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Brazil.

Tuy nhiên, ở nước ngoài, "Việt Nam vẫn bị coi là nơi có chất lượng cà phê kém nhất" - ông Fernandez cho biết.

Ông nói thêm, các nhà sản xuất nhắm đến chất lượng cao sẽ gặp "một thời gian khó khăn hơn vì nhận thức này".

Nhưng bù lại đã có một số dấu hiệu tích cực. Công ty dự báo xu hướng WGSN nhận định, thái độ của người trồng cũng như người tiêu dùng đối với dòng robusta đã bắt đầu thay đổi.

Nguyen Coffee Supply - công ty cà phê đặc sản đầu tiên của Việt Nam tại Mỹ - hiện được bán ở chuỗi siêu thị cao cấp Whole Foods.

Trong khi đó, tại trang trại đồi núi ở Tây Nguyên, ông Hùng và chị Ngọc bắt đầu thấy công việc khó nhọc của mình đang dần được đền đáp.

Sản phẩm của họ đã dần lấy lại vị thế trong nước và cũng đang được phân phối và bán tại Đức, Mỹ cũng như các quốc gia khác ở châu Á.

"Đây là thời điểm hoàn hảo để những hạt cà phê rang hảo hạng của Việt Nam tìm được chỗ đứng trên thế giới" - chị Ngọc nói.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết