Bí kíp mua nhà, đất không bị ‘hớ’
Những kinh nghiệm dưới đây sẽ giúp người mua nhà đất không "hớ" khi trả giá và tìm đọc một ngôi nhà giá sát thị trường nhất.
Theo các chuyên gia bất động sản, trước khi mua nhà đất, người mua cần thực hiện theo 5 bước sau:
Xác định yêu cầu về đặc tính bất động sản; Khảo sát mặt bằng giá nhà đất tại khu vực; Lựa chọn các bất động sản thỏa điều kiện; Xác định các đặc điểm chưa tốt của tài sản mục tiêu; Thương lượng giá.
Theo đó, người mua cần khảo sát kỹ sản phẩm cùng loại, tại cùng vị trí khu vực, có mức giá gần tương đương.
Nếu giá nhà cao hơn từ 10-15% so với giá thật có thể gọi là đắt. Còn nếu trên 30% giá trị thật trên thị trường là tình trạng “đắt ảo".
Trên thực tế, nhiều người khi mua nhà đất nhưng lại không có thời gian tìm hiểu, đối chứng thông tin nên bị mua với giá quá cao mà không hề hay biết. Ở một số khu vực, nhiều dự án căn hộ sau khi mở bán trong 12 - 18 tháng đã tăng giá gấp đôi dù chất lượng nhà không xứng đáng với giá thành và cũng chưa bàn giao cho khách.
Ví dụ, chi phí xây dựng là 12 triệu đồng/m2, chủ đầu tư mở bán với giá 60 triệu đồng/m2 nhưng sản phẩm bị thị trường đẩy lên đến 100 triệu đồng/m2. Điều này sẽ khiến giá bán vượt xa với chất lượng thực.
Các chuyên gia khuyến cáo, nếu đi mua bất động sản mà chỉ chăm chăm vào một sản phẩm, tin lời môi giới thì rất dễ bị mua “hớ”, thậm chí đắt hơn nhiều so với những bất động sản trong cùng khu vực, cùng phân khúc.
Nếu bạn muốn mua một căn nhà phố, tốt nhất nên khảo sát thực địa. Hỏi thăm những người dân xung quanh về giá cả nhà, giá đất đai trong khu vực, kiểm tra căn nhà có đang vướng phải tranh chấp, kiện tụng hay không. Nếu mua đất nền, cũng nên đi tham khảo ít nhất 4-5 nơi để đối chiếu về giá, tiềm năng từng khu vực và đưa ra được quyết định phù hợp nhất.
Ngoài ra, cần nhớ là giá trị của nhà ở sẽ bị hao mòn nhưng đất nền thì không. Một ngôi nhà mới to, đẹp nhưng nằm ở khu vực kém phát triển, không có tiềm năng thì giá trị cũng không bằng ngôi nhà cũ nhưng có vị trí đẹp. Vì vậy, trước khi mua nhà, bạn cũng nên nên đánh giá chi tiết về khu vực nhà đất, xem xét tiềm năng phát triển trong tương lai gần - tương lai xa của nó.
Bí kíp cuối cùng là khi đã xác định tham gia đầu tư bất động sản thì tốt nhất nên rành rọt khu vực đó, rõ ràng về phân khúc định đầu tư, tìm hiểu kỹ lưỡng về pháp lý và mọi yếu tố tác động thì mức độ an toàn trong đầu tư sẽ cao hơn.
Hiện sự minh bạch về thông tin trên thị trường nhà đất tại Việt Nam còn chưa cao. Đó là lý do khiến người mua vẫn bị “qua mặt”, lừa mua với giá đắt hoặc mua phải bất động sản không chuẩn về pháp lý. Thực trạng này gây ra nhiều cuộc tranh chấp kéo dài, thậm chí khiến nhiều người mua mất cả bạc tỷ