A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ukraina có thể được hưởng 200 tỉ USD từ EU

Ukraina có thể nhận được 200 tỉ USD từ EU khi gia nhập liên minh này.

Ukraina có thể được hưởng 200 tỉ USD từ EU

Hội nghị thượng đỉnh Ukraina-EU lần thứ 24 ở Kiev, Ukraina, ngày 3.2.2023. Ảnh: Xinhua

Tờ Financial Times ngày 4.10 trích dẫn nghiên cứu nội bộ của ban thư ký Hội đồng châu Âu đưa tin, Ukraina có thể nhận được hàng tỉ euro trợ cấp từ Liên minh châu Âu khi nước này gia nhập khối.

Theo tờ báo, Kiev sẽ được hưởng khoản thanh toán 96,5 tỉ euro (101 tỉ USD) từ cơ chế chính sách nông nghiệp chung của EU.

Ukraina cũng sẽ đủ điều kiện nhận trợ cấp trị giá 61 tỉ euro (64 tỉ USD) từ các quỹ gắn kết của EU, dành riêng cho việc cải thiện cơ sở hạ tầng ở các quốc gia thành viên nghèo hơn.

Tổng cộng, EU có thể phải phân bổ khoảng 186 tỉ euro (195 tỉ USD) cho Ukraina trong 7 năm sau khi gia nhập.

Bài viết lưu ý, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến chế độ trợ cấp nông nghiệp của EU. Theo tính toán, Ukraina có 41,1 triệu ha đất nông nghiệp được sử dụng và sẽ trở thành nước nhận trợ cấp lớn nhất trong khối.

Như vậy, EU sẽ buộc phải cắt giảm các khoản thanh toán cho người nhận hiện tại khoảng 20,3% trên 1 ha đất nông nghiệp.

Các chuyên gia cho rằng những thay đổi này có thể là một cái giá quá cao để chấp nhận Ukraina là thành viên, trừ khi có điều chỉnh đối với ngân sách EU.

“Những con số này không có lợi cho bất kỳ ai. Họ nói rõ rằng sẽ cần phải cải cách tận gốc rễ ngân sách EU và các chính sách lớn của liên minh nếu Ukraina muốn tham gia, hoặc toàn bộ vấn đề Ukraina sẽ phải được giải quyết một cách sáng tạo và nằm ngoài cơ cấu ngân sách hiện tại của EU” - Mujtaba Rahman, giám đốc điều hành khu vực châu Âu của Eurasia Group, nói với tờ Financial Times.

Tính toán của Hội đồng châu Âu dựa trên nghiên cứu về việc EU đồng thời kết nạp thêm 9 thành viên: Ukraina, Moldova, Gruzia và sáu quốc gia Tây Balkan.

Theo phân tích, chi phí để bổ sung tất cả các khoản này vào ngân sách hiện tại của EU sẽ lên tới khoảng 256 tỉ euro (269 tỉ USD).

Nghiên cứu cảnh báo, sự gia nhập của các thành viên mới sẽ dẫn đến việc phân bổ lại nguồn vốn trong liên minh một cách mạnh mẽ. Ví dụ: Cộng hòa Czech, Estonia, Lithuania, Slovenia, Cyprus và Malta sẽ không còn đủ điều kiện nhận tài trợ từ các quỹ gắn kết.

“Tất cả các quốc gia thành viên sẽ phải đóng nhiều hơn và nhận ít hơn từ ngân sách EU; nhiều quốc gia thành viên hiện là người nhận ròng sẽ trở thành người đóng góp ròng” - tài liệu nêu rõ.

Tài liệu chỉ ra thêm, mặc dù đối với một số chính sách, cơ hội có thể lớn hơn chi phí/rủi ro, song nhìn chung việc mở rộng EU sẽ mang lại những thách thức rất đáng kể đối với ngân sách của liên minh, cần được giải quyết càng sớm càng tốt.

Theo các báo cáo, EU đã sẵn sàng bắt đầu các cuộc đàm phán về tư cách thành viên với Ukraina, có thể được công bố vào cuối năm nay. Người đứng đầu Hội đồng châu Âu Charles Michel trước đó tuyên bố Ukraina có thể gia nhập EU vào năm 2030.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết