A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Úc: Được chuyển nhầm hơn 160 tỷ đồng, người phụ nữ vội đi mua biệt thự rồi hối không kịp

Bỗng dưng nhận được số tiền lớn ngoài sự tưởng tượng, người phụ nữ không mất nhiều thời gian trước khi quyết định tậu hẳn 1 biệt thự xa hoa để tặng em gái.

Nếu bỗng dưng một ngày, bạn nhận được một số tiền lớn do một bên khác chuyển nhầm vào tài khoản thì bạn sẽ làm gì?

Nếu bạn có ý định tiêu xài thoải mái thì hãy đọc câu chuyện sau để rút kinh nghiệm.

Nhận được hơn 160 tỷ đồng do chuyển nhầm, người phụ nữ vội vàng tiêu và cái kết

Vào tháng 5 năm ngoái, Crypto.com - một công ty tiền ảo có trụ sở chính tại Singapore trong khi hoàn tiền cho một khách hàng ở Australia, lẽ ra chỉ cần chuyển 100 đô la Australia (khoảng 1,5 triệu VNĐ) thì lại chuyển nhầm tới 10,5 triệu đô la Australia (khoảng 162 tỷ VNĐ).

Vậy nhưng người nhận - 1 phụ nữ sống ở Melbourne tên là Thevamanogari Manivel thay vì báo cho công ty này biết về sự nhầm lẫn này thì đã quyết định ỉm đi và coi số tiền như một món... trời cho.

Được chuyển nhầm hơn 160 tỷ đồng, người phụ nữ vội đi mua biệt thự rồi hối không kịp - Ảnh 1.

Vì một lỗi đánh máy mà công ty tiền ảo Crypto.com đã chuyển 10,5 triệu đô Australia cho khách hàng.

Không cần suy nghĩ lâu, Manivel đã quyết định mua một căn biệt thự ở Craigieburn, ngoại ô phía Bắc Melbourne trị giá 1,35 triệu đô la Australia (tương đương 21 tỷ VNĐ) với 4 phòng ngủ, 4 phòng tắm và tặng cho em gái mình là Thilagavathy Gangadory - người hiện đang sống ở Malaysia. Chưa hết, Manivel còn chia số tiền lớn còn lại với 6 người khác bao gồm cả con gái và em gái.

Theo thông tin từ CNBC, 7 tháng sau thì Crypto.com mới phát hiện ra sai sót nói trên khi thực hiện công tác kiểm toán vào tháng 12/2021 và quyết định kiện Manivel cùng 6 người khác nữa tội chiếm dụng trái phép số tiền họ đã chuyển nhầm.

Được chuyển nhầm hơn 160 tỷ đồng, người phụ nữ vội đi mua biệt thự rồi hối không kịp - Ảnh 2.

Căn biệt thự trị giá 1,35 triệu đô Australia mà cô Manivel đã mua bằng tiền chuyển nhầm của Crypto.com.

Hôm thứ Sáu tuần trước, 30/9, tòa án Tối cao ở bang Victoria, Australia đã yêu cầu chị Manivel hoàn lại số tiền 10,5 triệu đô la Australia cùng số tiền lãi tính theo thời gian thực mà họ đã sử dụng, được cho là tương đương khoảng 420 triệu VNĐ, chưa kể các loại phí cho vụ kiện.

Manivel cũng được yêu cầu phải bán căn biệt thự ở phía Bắc Melbourne để lấy tiền hoàn trả lại cho công ty tiền ảo.

Được biết, công ty Crypto.com cũng đã nộp đơn kiện vào tháng 2 năm nay và đã đóng băng tài khoản của Manivel. Tuy nhiên, khi đó hầu hết số tiền đã được chia chác cho Gangadory và 5 người khác nữa.

Phiên tòa tiếp theo liên quan đến sự việc này dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 10 và phía công ty Crypto.com từ chối bình luận về vụ việc.

Vậy khi nhận được tiền chuyển nhầm, bạn nên làm gì?

Hiện nay với sự phổ biến của thương mại điện tử cũng như ngân hàng online, có không ít người vì vội vàng, không để ý mà chuyển nhầm tiền vào tài khoản của người khác. Trong trường hợp nhận được khoản tiền "từ trên trời rơi xuống", có lẽ đa số chúng ta sẽ đều vui vẻ trả lại cho khổ chủ. Tuy nhiên, cũng có một số người vì lòng tham mà quyết định giữ lại để dùng.

Vậy theo pháp luật Việt Nam, những người quyết không trả lại bên chuyển nhầm mà lại vô tư sử dụng thì có bị xử lý hay không?

Điều 579 Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước CHXHCN Việt Nam quy định việc không trả lại số tiền chuyển nhầm bị coi là chiếm hữu tài sản của người khác không có căn cứ pháp luật và phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó.

Được chuyển nhầm hơn 160 tỷ đồng, người phụ nữ vội đi mua biệt thự rồi hối không kịp - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa)

Trường hợp không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nếu có hành vi sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác sẽ bị xử phạt hành chính từ 3 đến 5 triệu đồng.

Điểm b khoản 4 Điều này cũng quy định rõ người chiếm giữ buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi này.

Nếu số tiền bị chiếm giữ trái phép dưới 10 triệu đồng, người có hành vi chiếm giữ sẽ bị phạt hành chính từ 03 đến 05 triệu đồng.

Trong trường hợp nếu cố tình không trả và số tiền bị chiếm giữ trái phép trên 10 triệu đồng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chiếm giữ trái phép tài sản quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Nếu chiếm giữ trái phép số tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng thì có thể bị phạt tù từ 7 đến 15 năm.

Do đó, khi người khác chuyển nhầm tiền vào tài khoản của mình, người được chuyển nhầm cần liên hệ với ngân hàng để giải quyết, để tránh vi phạm pháp luật và gặp rắc rối cho bản thân.

Thêm nữa, để tránh gặp rắc rối cũng như các thủ tục phiền phức, trước khi giao dịch, mỗi người chúng ta cần kiểm tra kỹ tên và số tài khoản của người nhận.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...