Trung Quốc: Giếng cổ "mở đường" vào kho báu vô song 2.200 tuổi
hững hiện vật quý giá trong giếng cổ ở tỉnh Hồ Nam - Trung Quốc chỉ là khởi đầu cho một kho báu khảo cổ gây kinh ngạc.
Chuỗi phát hiện bắt đầu bằng hơn 200 thẻ tre từ thời nhà Tần (năm 221-206 trước Công nguyên) và nhà Hán (năm 206 trước Công nguyên - 222 sau Công nguyên), lộ ra trong một cái giếng cổ.
Chữ viết trên các thẻ tre là chữ triện, phổ biến trong suốt nửa sau của thiên niên kỷ thứ 1 trước Công nguyên, sau đó vẫn được sử dụng để khắc trang trí, khắc con dấu vào thời Hán.
Các phân tích sau đó cho thấy giá trị cực lớn của các hiện vật này: Chúng là một phần của một kho lưu trữ của chính phủ cổ đại.
Bên cạnh đó, các cuộc khai quật dẫn đầu bởi Viện Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc còn tiết lộ dấu vết về một tòa nhà có nền móng bằng đất nung, có niên đại từ thời Tây Hán, là giai đoạn đầu của nhà Hán.
Đó là một tòa nhà có kích thước 28x18 m, xây bằng một số loại gạch nổi trội thời Tây Hán. Tòa nhà có thể thuộc về một cá nhân có địa vị cao như quan chức hay quý tộc trong khu vực.
Tiếp đó, chiếc giếng cổ thứ hai từ thời nhà Tống (năm 960-1279) và nhà Nguyên (1271-1388) lộ diện.
Bên trong chiếc giếng thời Tống - Nguyên, các nhà khảo cổ tìm thấy nhiều hiện vật giá trị khác bao gồm đồ gốm, vật dụng bằng đồng và đồng thau.
Khu đất đầy kho báu này còn cung cấp cho các nhà khảo cổ một kho đạn bằng đá mà quân Nguyên đã bắn vào khu vực này vào thời Nam Tống.
Ngoài ra, một loại đồ tạo tác quan trọng mang những đặc trưng trải dài từ thời Chiến Quốc cho đến nhà Minh, nhà Thanh đã làm phong phú thêm dòng thời gian của khu vực khảo cổ đặc biệt này.