A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguồn cơn khiến nông dân châu Âu đổ ra đường biểu tình

Để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng về khí hậu, các nhà lãnh đạo châu Âu công bố loạt biện pháp nhằm cải tổ ngành nông nghiệp - ngành chiếm 1/3 lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Tuy nhiên, những chính sách đó khiến nông dân ở châu Âu tức giận, tổ chức các cuộc biểu tình lớn để bày tỏ sự thất vọng trước những sức ép kinh tế do các quy định khí hậu mới nhất gây ra.

Nguồn cơn khiến nông dân châu Âu đổ ra đường biểu tình

Nông dân trong cuộc biểu tình chống chính sách nông nghiệp ở Guingamp, miền Tây nước Pháp ngày 20.2.2024. Ảnh: AFP

Tuần này, những cuộc biểu tình tiếp tục làm náo loạn châu Âu khi hàng trăm nông dân Czech và Hy Lạp đổ ra đường phố Praha và Athens. Làn sóng biểu tình mới nhất quét qua tất cả các quốc gia châu Âu, trừ Đan Mạch, Áo, Phần Lan và Thụy Điển, theo Foreign Policy. Ở một số thành phố, nông dân biểu tình đổ phân bón và ném trứng vào các tòa nhà hành chính, nhiều nơi khác nông dân dùng máy kéo để phong tỏa các bến cảng và đường sá.

Nguyên nhân dẫn tới biểu tình ở từng quốc gia là khác nhau, nhưng nhìn chung nông dân châu Âu đang chịu sức ép chồng chất: Chi phí sản xuất tăng cao trong khi giá lương thực toàn cầu giảm; nông sản nhập khẩu giá rẻ tràn ngập thị trường châu Âu, nhất là từ Ukraina; và mới đây nhất là tổ hợp các quy định nông nghiệp của từng đất nước nói riêng và của Liên minh châu Âu (EU) nói chung nhắm vào trợ cấp cho nông dân, vào việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón.

Về chính sách trên toàn EU, sự thất vọng của nông dân tập trung vào Thỏa thuận Xanh châu Âu - kế hoạch của Brussels nhằm cắt giảm khí thải thông qua cải tổ hệ thống thực phẩm, giao thông và năng lượng. Thỏa thuận này đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng cho ngành nông nghiệp của khối vào năm 2030, trong đó có cắt giảm một nửa việc dùng thuốc trừ sâu hóa học, thuốc kháng sinh và giảm 20% dùng phân bón.

Tuy nhiên, sự thất vọng của nông dân châu Âu cũng nằm trong một bức tranh toàn cầu lớn hơn, theo nhà kinh tế học nông nghiệp Christopher Barrett của Đại học Cornell, Mỹ. Nông dân trên toàn thế giới đang chịu căng thẳng đáng kể. Giá hàng hóa toàn cầu giảm cùng chi phí đầu vào tăng cao đang gây sức ép cho nông dân, trong khi đó các chính phủ rút dần trợ cấp trực tiếp nông nghiệp để chuyển sang hỗ trợ các hoạt động sản xuất xanh hơn.

Để ổn định tình hình trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6, các nhà lập pháp đã có những nhượng bộ để xoa dịu nông dân. Trong tháng này, EU từ bỏ đề xuất chính nhằm cắt giảm 50% việc sử dụng thuốc trừ sâu. Pháp, Đức, Hy Lạp và Italy cũng đều nới lỏng các quy định so với kế hoạch ban đầu.

Phát biểu trước Nghị viện châu Âu vào đầu tháng 2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng, trong quá trình này nông dân vẫn nắm quyền điều khiển. Chỉ khi chúng ta cùng nhau đạt được các mục tiêu về khí hậu và môi trường thì nông dân mới có thể tiếp tục kiếm sống".

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, việc nhượng bộ quá nhiều có thể dẫn tới phản tác dụng. Rủi ro là việc tiếp tục nhượng bộ một số yêu cầu này sẽ dẫn tới những cử tri trẻ đã tham gia bỏ phiếu năm 2019 sẽ không trở lại vào năm 2024, bà Rosa Balfour - giám đốc của Carnegie châu Âu - cảnh báo.

Foreign Policy nhận định, những rắc rối hiện nay của châu Âu nêu bật những khó khăn trong đánh đổi kinh tế và chính trị mà các chính phủ chắc chắn sẽ phải đối mặt khi giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là trong cải tổ ngành nông nghiệp.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết