Trung Quốc đẩy nhanh dự án xây đập thủy điện Pakistan
Trung Quốc tuyên bố sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án Thủy điện Mohmand, một công trình trọng điểm tại Pakistan, trong bối cảnh Ấn Độ đe dọa cắt nguồn nước từ các con sông chảy qua lãnh thổ mình.
Dự án Thủy điện Mohmand, nằm trên sông Swat thuộc tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, phía tây bắc Pakistan, do Công ty China Gezhouba Group Corporation (CGGC) thực hiện từ năm 2019.
Theo đài truyền hình CCTV của Trung Quốc, việc đổ bê tông cho đập đã bắt đầu vào ngày 17/5, đánh dấu một cột mốc quan trọng và mở ra giai đoạn phát triển nhanh của dự án. Công trình có công suất 800 MW, dự kiến cung cấp 2,86 tỷ kWh điện mỗi năm, tưới tiêu cho hơn 18.000 mẫu đất nông nghiệp, và cung cấp hơn 1 tỷ lít nước uống mỗi ngày cho thành phố Peshawar.
Sông Swat, Pakistan. Ảnh: Designer429 CC BY-SA 3.0
Dự án ban đầu được lên kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2025, nhưng các báo cáo gần đây cho thấy tiến độ bị chậm trễ, với thời gian hoàn thành mới dự kiến vào năm 2026 hoặc đầu năm 2027.
Khi hoàn thành, đập Mohmand sẽ là đập bê tông đá đắp cao nhất Pakistan và đứng thứ năm thế giới, góp phần kiểm soát lũ lụt, cải thiện nông nghiệp, và tăng cường nguồn cung điện sạch cho quốc gia này.
Tuyên bố đẩy nhanh tiến độ của Trung Quốc được đưa ra sau khi Ấn Độ thông báo đình chỉ Hiệp ước Chia sẻ Nước sông Indus năm 1960 vào cuối tháng 4/2025, nhằm đáp trả vụ tấn công khủng bố khiến nhiều du khách thiệt mạng tại Kashmir do Ấn Độ kiểm soát vào ngày 22/4/2025.
Hiệp ước này quy định việc chia sẻ nước từ sông Indus và các nhánh của nó giữa Ấn Độ và Pakistan. Sau quyết định đình chỉ, Ấn Độ đã hạ cổng xả tại đập Baglihar trên sông Chenab, khiến lưu lượng nước chảy sang Pakistan giảm tới 90% kể từ ngày 4/5, theo báo cáo từ Pakistan. Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif cảnh báo rằng việc chặn dòng sông sẽ bị đáp trả “bằng toàn lực”.
Ngoài việc giảm lưu lượng nước, Ấn Độ cũng đang đẩy nhanh bốn dự án thủy điện tại Kashmir, bao gồm các dự án Ratle (850 MW) và Dul Hasti (390 MW) trên sông Chenab, nhằm tăng cường kiểm soát nguồn nước và sản xuất điện.
Các động thái này làm dấy lên lo ngại về an ninh nước tại Pakistan, nơi 80% đất nông nghiệp và các thành phố lớn như Karachi và Lahore phụ thuộc vào lưu vực sông Indus.