A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TikTok chịu thêm sức ép tại Mỹ

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi động thái mới của Mỹ nhằm vào TikTok là hành vi bắt nạt

Sức ép đang gia tăng lên mạng xã hội TikTok tại Mỹ sau khi Hạ viện nước này hôm 13-3 thông qua dự luật mới liên quan. Cụ thể, dự luật này cho Công ty ByteDance của Trung Quốc, chủ sở hữu TikTok, khoảng 6 tháng để thoái vốn tại Mỹ hoặc đối mặt lệnh cấm.

Sau cuộc bỏ phiếu, hạ nghị sĩ Steve Scalise của Đảng Cộng hòa gọi đây là vấn đề an ninh quốc gia quan trọng, đồng thời thúc giục Thượng viện thông qua dự luật trên. Trong khi đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng muốn thấy Thượng viện hành động nhanh chóng. 

Dù vậy, hiện chưa rõ dự luật này có chắc chắn qua được ải Thượng viện Mỹ hay không. Một số thượng nghị sĩ ủng hộ cách tiếp cận khác để quản lý ứng dụng thuộc sở hữu nước ngoài và bị xem là gây lo ngại an ninh. Trước mắt, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer cho biết cơ quan này sẽ xem xét dự luật trên.

TikTok hiện đang được khoảng 170 triệu người Mỹ sử dụng. Phản ứng trước diễn biến trên, Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew cảnh báo nếu dự luật này được ký ban hành sẽ dẫn đến lệnh cấm TikTok tại Mỹ và "lấy đi hàng tỉ USD từ túi tiền của những nhà sáng tạo nội dung và doanh nghiệp nhỏ". 

Ông nhấn mạnh công ty sẽ thực hiện các quyền hợp pháp để ngăn chặn lệnh cấm. Dự luật cho phép công ty nộp đơn khiếu nại trong vòng 165 ngày sau khi Tổng thống Biden ký ban hành. Vào tuần trước, ông Biden khẳng định sẽ ký ban hành nếu dự luật được Quốc hội thông qua.

Văn phòng của TikTok ở TP Culver, bang California - Mỹ hôm 13-3Ảnh: REUTERS

Văn phòng của TikTok ở TP Culver, bang California - Mỹ hôm 13-3Ảnh: REUTERS

Trước thềm cuộc bỏ phiếu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gọi động thái mới của Mỹ nhằm vào TikTok là hành vi bắt nạt, làm suy yếu niềm tin của giới đầu tư quốc tế, cũng như làm tổn hại trật tự kinh tế và thương mại quốc tế thông thường. 

Theo quan chức này, Washington dù chưa bao giờ tìm ra bằng chứng cho thấy TikTok đe dọa an ninh quốc gia Mỹ nhưng vẫn không ngừng gây áp lực lên TikTok.

Hiện chưa rõ liệu Trung Quốc có chấp thuận bất kỳ thương vụ mua bán nào hoặc liệu tài sản ở Mỹ của TikTok có thể được thoái vốn trong 6 tháng hay không. Trong trường hợp ByteDance không làm như đòi hỏi của dự luật, các cửa hàng ứng dụng, như của Apple và Google, sẽ không thể cung cấp hợp pháp TikTok hoặc các dịch vụ lưu trữ web cho các ứng dụng do ByteDance kiểm soát.

Theo trang Bloomberg, TikTok được xem là ứng dụng mạng xã hội có thuật toán hiệu quả nhất trong việc cá nhân hóa nội dung tùy theo sở thích người dùng, dẫn đến nỗi lo họ bị nghiện sử dụng mạng xã hội này. 

 

Theo một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) năm 2022, 2/3 thanh thiếu niên Mỹ sử dụng TikTok mỗi ngày. Bên cạnh đó là những nỗi lo về an ninh quốc gia được Mỹ nhắc đến, như kịch bản TikTok bị sử dụng để thu thập thông tin người dùng, thực hiện hành động gián điệp hoặc định hình dư luận.

 Hồi tháng 12-2022, giám đốc điều hành của ByteDance và TikTok thừa nhận nhân viên ByteDance đã truy cập trái phép vào địa chỉ IP của người dùng Mỹ. Bộ Tư pháp Mỹ vẫn đang điều tra vụ việc.

Ngoài ra, việc TikTok chào đón những người từ 13 tuổi cũng dấy lên nhiều nỗi lo khác, như chuyện bảo vệ dữ liệu người vị thành niên hoặc những trào lưu nguy hiểm. 

Một thẩm phán Mỹ vào tháng 11-2023 đã phán quyết TikTok và các nền tảng mạng xã hội đối thủ phải đối mặt hàng trăm vụ kiện liên bang cáo buộc họ gây nghiện cho giới trẻ trên mạng xã hội. Trong nỗ lực xoa dịu nỗi lo, TikTok cho biết dữ liệu nhạy cảm về người sử dụng Mỹ được chuyển đến các máy chủ do Công ty Oracle (Mỹ) kiểm soát. 

Nhiều nước mạnh tay

Thủ tướng Úc Anthony Albanese hôm 14-3 cho biết chính phủ ông không có kế hoạch cấm TikTok theo sau động thái của Hạ viện Mỹ. Ứng dụng này bị cấm sử dụng trên các thiết bị của chính phủ từ tháng 4-2023. Ông Albanese nhận định đây là biện pháp thích hợp và Úc hiện chưa có thêm dự định nào. Trả lời phỏng vấn đài phát thanh ABC, Thủ tướng Albanese cho biết thêm Úc vẫn tiếp thu các lời khuyên về an ninh nhưng sẽ đưa ra quyết định của riêng mình.

Trước Úc, một số nước như Mỹ, Anh, Canada, Bỉ, New Zealand... đã có động thái tương tự nói trên. Hồi năm ngoái, TikTok đã bị phạt tiền vì vi phạm quy định về xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em tại các nước thành viên Liên minh châu Âu. Mạnh tay hơn, Ấn Độ hồi năm 2020 viện lý do an ninh quốc gia để quyết định cấm sử dụng TikTok và hàng chục ứng dụng khác của các công ty Trung Quốc. Khi đó, Ấn Độ là một trong những thị trường lớn nhất của nền tảng này bên ngoài Trung Quốc.

Hoàng Phương

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...