Thương mại quốc tế của Campuchia giảm 1.9% trong năm 2023
Theo dữ liệu thương mại được Tổng cục Hải quan và Thuế quan Campuchia (GDCE) công bố hôm 11/01, tổng kim ngạch thương mại quốc tế của nước này đạt 46.82 tỷ USD trong năm 2023, giảm 1.9% so với năm 2022, Khmer Times đưa tin.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 22.64 tỷ USD, tăng nhẹ 1.8% trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 24.18 tỷ USD, giảm 5%. Trong năm 2023, Vương quốc ghi nhận mức thâm hụt thương mại 1.53 tỷ USD.
Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia trong năm vừa qua, với kim ngạch thương mại song phương đạt 12.26 tỷ USD. Trong khi đó, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất các sản phẩm của Vương quốc, với kim ngạch xuất khẩu đạt 8.89 tỷ USD, chiếm 39.3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Xuất khẩu Campuchia sang Mỹ giảm nhẹ 0.8% nhưng nhập khẩu từ cường quốc này lại giảm mạnh đến 17.7%. Xuất khẩu sang Trung quốc tăng 19.2% và nhập khẩu tăng 3.3%
Hồi năm 2022, Campuchia đã xuất khẩu 22.4 tỷ USD hàng hóa, tăng 16.4% so với năm 2021; nhập khẩu 29.9 tỷ USD, tăng 4.3%. Hoạt động thương mại quốc tế trong năm 2022 ghi nhận mức thâm hụt 7.4 tỷ USD.
Phân tích dữ liệu năm 2023 cho thấy, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu từ Campuchia đều ghi nhận mức tăng trưởng. Theo đó, xuất khẩu máy móc và phụ tùng điện tăng 56.6%; xuất khẩu cao su và các sản phẩm từ cao su tăng 69.9%; xuất khẩu rau củ quả và củ cải tăng 52.6% và xuất khẩu ngũ cốc tăng 45.1% so với năm 2022. Tuy nhiên, lĩnh vực xuất khẩu chính là hàng may mặc, giày dép và đồ du lịch (GFT) lại gặp khó khăn suốt cả năm với mức sụt giảm 13.3% so với năm 2022. Và xu hướng này đã bắt đầu từ nửa cuối năm 2022.
Theo các chuyên gia trong ngành, nguyên nhân khiến xuất khẩu các mặt hàng GFT giảm hồi năm ngoái chủ yếu là do giảm đơn đặt hàng từ thị trường Mỹ và châu Âu. Và sự sụt giảm xuất khẩu này cũng đã phản ánh vào sự sụt giảm tương ứng trong nhập khẩu nguyên vật liệu và thành phẩm hàng tiêu dùng.
Theo nhận định của các chuyên gia, nguyên nhân chính khiến xuất khẩu các mặt hàng GFT giảm chính là chiến sự Nga - Ukraine kéo dài. Ngoài ra, cuộc xung đột gần đây giữa Israel và Hamas cùng với áp lực lạm phát kéo theo, việc Mỹ không tái kích hoạt Chính sách Ưu đãi Thuế quan Phổ cập (GSP) dành cho Campuchia và việc Liên minh châu Âu (EU) rút một phần chương trình miễn thuế EBA (Mọi thứ trừ vũ khí) cũng đã tác động mạnh đến xuất khẩu của lĩnh vực này. Xu hướng giảm xuất khẩu hàng GFT đã khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa và hàng trăm công nhân bị mất việc làm.
Tuy vậy, theo ông Anthony Galliano, Giám đốc điều hành của Công ty Quản lý Đầu tư Campuchia, Vương quốc vẫn yên tâm vì xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ ổn định và nơi đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Campuchia.
"Tuy nhiên, với những xu hướng biến đổi, Campuchia sẽ cần mở rộng mạng lưới đối tác thương mại, nâng cao kỹ năng và tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng để đảm bảo sự bền vững trong xuất khẩu về lâu dài," ông Anthony lưu ý.
Theo vị Giám đốc này, dù rằng nền kinh tế Campuchia không ngừng đa dạng hóa và mở rộng nhưng xuất khẩu vẫn là nền tảng, chiếm đến 60% GDP. Ông nói: "Thị phần xuất khẩu sang Mỹ lớn (gần 40%) như hiện nay tiềm ẩn rủi ro về lâu dài ".