Yếu tố nào sẽ giúp Campuchia thu hút thêm FDI?
Luật đầu tư mới, các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc và Hàn Quốc, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và tình hình hòa bình trong nước đã giúp Campuchia thu hút thêm nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2023, nhất là đầu tư lĩnh vực công nghiệp, theo các chuyên gia.
Theo báo cáo của Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC), trong năm 2023 vừa qua, cơ quan này đã phê duyệt 268 dự án đầu tư, tăng 44% so với năm 2022. Tổng vốn đầu tư của các dự án đã được phê duyệt đạt 4.9 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2022.
Phân tích chi tiết theo lĩnh vực, có đến 92% trong số những dự án này đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. Trong khi đó, số còn tập trung vào các ngành nông nghiệp và công - nông nghiệp, du lịch và cơ sở hạ tầng.
Theo Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Campuchia, ông Lim Heng, yếu tố giúp Vương quốc chứng kiến được sự trưởng đáng kể về số lượng dự án đầu tư chính là Luật đầu tư mới và các FTA.
Ông nói: “Luật đầu tư mới và các FTA với Trung Quốc và Hàn Quốc, cùng với hiệp định thương mại quy mô lớn RCEP, là những yếu tố giúp Campuchia thu hút thêm nhà đầu tư từ nước ngoài. Những hiệp định thương mại này đã tạo ra một thị trường lớn cho các sản phẩm sản xuất tại Vương quốc”.
Ngoài ra, vị quan chức này còn cho rằng, tình hình hòa bình trong nước cũng giúp tăng cường niềm tin của nhà đầu tư đối với quốc gia Đông Nam Á này.
Theo báo cáo của CDC, dẫn đầu danh sách là các dự án đầu tư từ Trung Quốc, chiếm 2/3 tổng vốn đầu tư. Kế đến là đầu tư trong nước, chiếm 24%. Tổng số 268 dự án đầu tư được phê duyệt trong năm vừa qua đã tạo ra khoảng 307.000 việc làm cho người dân trong nước.
Đầu tư vào ngành may mặc, giày dép và hàng du lịch cũng gia tăng trong năm 2023, với nhiều nhà máy mới được xây dựng. Sự gia tăng này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thêm cho tăng trưởng xuất khẩu của ngành này trong năm 2024, theo Chủ tịch Hiệp hội Giày dép Campuchia Ly Khun Thai.
Chủ tịch Kun Thai nói: “Campuchia chứng kiến sự gia tăng đáng kể về số lượng nhà máy mới, nhất là đầu tư vào ngành giày dép. Với số lượng đơn hàng gia tăng, hiệp hội kỳ vọng năm 2024, xuất khẩu hàng hóa của Campuchia, nhất là xuất khẩu giày dép sẽ tốt hơn năm 2023”.
Theo Bộ Công nghiệp, Khoa học, Công nghệ và Đổi mới, ngành sản xuất ước tính đã đóng góp khoảng 40% vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước vào năm 2022.
May mặc, giày dép và hàng du lịch là ngành mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn nhất cho Campuchia. Ngoài ra, Vương quốc còn xuất khẩu các sản phẩm ngoài ngành may mặc như linh kiện điện tử, xe đạp, phụ tùng ô tô, đồ nội thất, da, nhựa và các sản phẩm công nghiệp khác.