Thí nghiệm từ Mỹ: Điều không ngờ về sinh vật ngoài hành tinh
Sinh vật ngoài hành tinh hoàn toàn có khả năng ra đời từ những thứ "chết chóc" như kim loại phóng xạ và một số thứ hoàn toàn khác xa so với sự sống Trái Đất.
Nghiên cứu mới dẫn đầu bởi nhà sinh vật học, vi khuẩn học và sinh học tiến hóa Betül Kaçar từ Đại học Wisconsin - Madison (Mỹ) đã xác định 270 chu trình phản ứng tự xúc tác khác nhau, hầu hết không cần đến hợp chất hữu cơ.
Điều này cũng có nghĩa việc tìm kiếm sinh vật ngoài hành tinh có thể cần định hướng lại.
Nghiên cứu mới cho thấy các phản ứng hóa sinh có thể bắt nguồn từ những vật liệu và điều kiện kỳ dị nhất - Ảnh đồ họa: Betül Kaçarr
"Một trong những ký do chính mà các nhà nghiên cứu về nguồn gốc sự sống quan tâm đến quá trình tự xúc tác là vì chính việc sinh sản cũng là một ví dụ về quá trình tự xúc tác" - tờ Live Science dẫn lời TS Kaçar.
Tự xúc tác là một loại tương tác hóa học đóng vai trò then chốt cho sự sống, bao gồm sự sống Trái Đất. Chúng được cho là yếu tố giúp kết hợp các "khối xây dựng sự sống" vô tri ban đầu thành sự sống thực sự, rồi tiếp tục duy trì cho sự sống đó sinh sôi và tiến hóa.
Trước đây, người ta tin rằng "phản ứng tạo sự sống" đó cần có hợp chất hữu cơ.
Nhưng 270 chu trình mà nhóm của TS Kaçar xác định hầu như không cần tới hợp chất hữu cơ, mà bắt nguồn từ cả những thứ "chết chóc" nhất đối với sinh vật Trái Đất như thủy ngân hoặc thorium phóng xạ, các loại khí hiếm như xenon...
Một số chu trình xảy ra ở những điều kiện cực kỳ khủng khiếp như nhiệt độ hoặc áp suất cực cao hoặc cực thấp.
Vì vậy, các tác giả kết luận có lý do chính đáng để dự đoán rằng quá trình tự xúc tác tạo ra sự sống ngoài hành tinh có thể xảy ra dễ dàng ở các nguyên tố khác, chứ không phải các nguyên tố "xương sống" thông thường của sinh vật địa cầu như carbon, oxy, lưu huỳnh, phốt pho...
Đặc biệt, hầu hết 270 chu trình đều gồm 2 phản ứng, 8 trong số đó thậm chí có từ 4 phản ứng trở lên. Chúng có thể kết hợp với nhau để tạo ra một chuỗi phản ứng hóa sinh phức tạp lớn.
Trước giờ, các cuộc săn tìm sự sống ngoài hành tinh thường nhắm vào các "dấu hiệu sinh học tiềm năng", ví dụ như bằng chứng của các nguyên tố hoặc hợp chất cần thiết cho loại sự sống giống Trái Đất thể hiện qua quang phổ của các hành tinh: oxy, methane, hợp chất phosphate...
Tuy nhiên, kết quả vừa công bố trên tạp chí khoa học Journal of the American Chemical Society cho thấy các hành tinh không có các "yếu tố sống còn" này, hay có môi trường hoàn toàn dị biệt và khủng khiếp so với sinh vật Trái Đất, vẫn có cơ hội sở hữu dạng sự sống của riêng mình.