Tham vọng không gian của Trung Quốc
Trung Quốc ngày 5-6 đã phóng thành công tên lửa Trường Chinh-2F mang theo tàu Thần Châu-14 cùng 3 phi hành gia lên không gian trong sứ mệnh hoàn thành xây dựng trạm không gian Thiên Cung, được thiết kế để hoạt động trong ít nhất 10 năm.
Theo kế hoạch, nhóm phi hành gia sẽ phối hợp với trung tâm dưới mặt đất để thực hiện nhiệm vụ trên. Trạm này sẽ được mở rộng từ cấu trúc 1 module thành phòng thí nghiệm vũ trụ quốc gia gồm 3 module: module lõi Thiên Hòa và 2 module thí nghiệm Vấn Thiên, Mộng Thiên.
Module lõi Thiên Hòa được đưa lên không gian hồi tháng 4-2021. Trong khi đó, 2 module thí nghiệm Vấn Thiên và Mộng Thiên dự kiến lần lượt được phóng vào tháng 7 và tháng 10 tới. Các phi hành gia cũng phụ trách lắp đặt các thiết bị bên trong và ngoài trạm vũ trụ, đồng thời thực hiện một loạt nghiên cứu khoa học khác.
Nhóm này dự kiến ở trên trạm không gian Thiên Cung trong 6 tháng rồi trở về trái đất vào tháng 12 năm nay.
Ba phi hành gia Trung Quốc tại buổi lễ trước khi được đưa lên trạm không gian Thiên Cung ngày 5-6 Ảnh: REUTERS
Đây được xem là cột mốc mới nhất trong nỗ lực trở thành cường quốc không gian của Trung Quốc. Năm 2003, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 3 (sau Liên Xô và Mỹ) đưa phi hành gia lên quỹ đạo.
Đến năm ngoái, một tàu tự hành của Trung Quốc đã đáp xuống bề mặt sao Hỏa. Chưa hết, giới chức nước này cũng từng thảo luận về khả năng đưa người lên mặt trăng.