Philippines huỷ thương vụ trực thăng của Nga để mua hàng xịn từ Mỹ
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. hôm 20-10 cho biết Philippines sẽ mua trực thăng quân sự hạng nặng từ Mỹ sau khi hủy thỏa thuận tương tự từ Nga.
Chính phủ của người tiền nhiệm là ông Rodrigo Duterte đã ký một thỏa thuận trị giá 216 triệu USD mua 16 trực thăng Mi-17 nhưng đã đổi ý vài tháng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine và phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt trên diện rộng đối với Moscow.
Trước đó, truyền thông địa phương đã dẫn lời Đại sứ Nga tại Philippines cho rằng thỏa thuận vẫn còn hiệu lực. Đại sứ Nga Marat Pavlov nói rằng nhà sản xuất vẫn đang tiến hành lắp ráp Mi-17 sau khi Philippines trả trước một phần. Ông nói rằng các phi công Philippines điều khiển trực thăng cũng đã trải qua quá trình đào tạo của Nga. Tuy nhiên, ông Marcos nói rằng thoả thuận đã bị huỷ.
Ông Marcos Jr. cho biết Philippines đã tìm thấy nguồn cung thay thế từ Mỹ dù đã đặt cọc trước cho nhà sản xuất Nga và hy vọng có thể thương lượng để thu hồi một phần tiền đặt cọc. Thep hãng tin AP, đây là lần đầu tiên ông Marcos Jr., người nhậm chức vào tháng 6, bình luận công khai về vấn đề nhạy cảm liên quan đến Nga.
Philippines huỷ mua 16 trực thăng Mi-17 của Nga. Ảnh: AP
Tổng thống Marcos Jr. cũng không nói rõ máy bay trực thăng nào của Mỹ được chọn làm phương án thay thế, chỉ biết rằng chúng sẽ được sản xuất tại Ba Lan. Đại sứ Philippines tại Washington Jose Romualdez từng tiết lộ hồi tháng 8 rằng Manila đang xem xét mua trực thăng Chinooks để thay thế Mi-17. CH-47 Chinook là máy bay trực thăng vận tải hạng nặng đa năng 2 động cơ cánh quạt được chế tạo dùng để chuyển quân, vũ khí hạng nặng hỗ trợ đường hàng không cho chiến trường.
Ông Romualdez cho hay quyết định hủy thỏa thuận Mi-17 là do cuộc xung đột Nga - Ukraine và Manila cũng thận trọng trước nguy cơ vi phạm đạo luật năm 2017 của Mỹ về việc trừng phạt các bên hợp tác với Nga trong lĩnh vực tình báo hoặc quốc phòng.
Philippines là đồng minh lâu năm của Mỹ và đã bắt đầu chương trình hiện đại hóa quân sự khiêm tốn vào năm 2012. Trước đó, các quan chức Philippines cho biết trực thăng do Nga sản xuất có thể được sử dụng cho các hoạt động chiến đấu, tìm kiếm cứu nạn và sơ tán ở quần đảo Đông Nam Á, nơi thường xuyên hứng chịu các cơn bão và thảm họa thiên nhiên khác.