A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhập khẩu hơn 90% lương thực, Singapore đang làm gì để chống lạm phát?

Việc tập trung quá nhiều vào tăng thu nhập cho người dân mà bỏ bê nông nghiệp đang đem lại hậu quả rõ ràng.

Anh Remus Seow, chủ một quán ăn Nhật Bản tại Singapore đang khá chán nản vì lạm phát quá cao trong 6 tháng qua. Giá một số mặt hàng như dầu ăn, trứng, thịt đã tăng 30-45%, qua đó buộc anh phải nâng giá lần đầu tiên kể từ khi khai trương cửa hàng. Anh Seow cho biết nếu đà tăng giá này còn tiếp diễn thì nhà hàng sẽ mất 35% thực khách.

Dẫu vậy, nỗi buồn của anh Seow có lẽ sẽ còn kéo dài khi Ngân hàng thế giới (World Bank) dự báo giá lương thực sẽ tăng đến 20% trong năm nay.

Câu chuyện của anh Seow chẳng phải cá biệt. Hãng tin CNBC cho biết Singapore đang phải gồng mình chống lạm phát lên đến 4,1% vào tháng 4/2022 so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất 10 năm qua.

Nhập khẩu hơn 90% lương thực, Singapore đang làm gì để chống lạm phát? - Ảnh 1.

Singapore nhập khẩu hơn 90% lương thực từ hơn 170 quốc gia

Thậm chí các dự đoán cho thấy lạm phát có thể tăng lên 5% vào tháng 6/2022. Đây là tín hiệu cực kỳ đáng báo động với an ninh lương thực của Singapore khi nước này nhập khẩu hơn 90% lương thực từ hơn 170 quốc gia.

Các chuyên gia nhận định đại dịch đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng lương thực, tiếp đó là xung đột Ukraine càng làm tình hình nghiêm trọng hơn. Thế rồi nguy cơ suy thoái vì lạm phát khiến những quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu như Singapore phải đối mặt với nhiều thách thức hơn bao giờ hết.

Gần đây, câu chuyện nhiều nước cấm hoặc hạn chế xuất khẩu một số mặt hàng lương thực càng làm tình hình trở nên phức tạp hơn. Việc Malaysia, nơi Singapore nhập khẩu đến 34% thịt gà, ra lệnh cấm xuất khẩu gà đã khiến giá mặt hàng này tại quốc đảo sư tử tăng vọt.

Dù là một cường quốc kinh tế cũng như trung tâm tài chính của khu vực nhưng Singapore lại nghèo tài nguyên thiên nhiên. Bởi vậy chính phủ nước này luôn có những chính sách tích trữ cũng như đảm bảo các nguồn lực dành cho trường hợp cần thiết. Singapore cũng đang cố gắng thực hiện mục tiêu "30 by 30", qua đó tự cung tự cấp 30% lương thực cho cả nước vào năm 2030.

Ngoài việc tích trữ các mặt hàng lương thực chiến lược, Singapore cũng cho phép nhiều dự án tiên phong trong mảng nông nghiệp, sinh học. Ví dụ như cấp phép cho các dự án sản xuất thịt nhân tạo đầu tiên trên thế giới.

Tuy nhiên theo hãng tin CNBC, những chính sách trên chỉ mang tính ngắn hạn và chưa thực sự có hiệu quả nếu nước này vẫn còn phải phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực.

Tương lai mờ mịt

Hãng tin CNBC nhận định mặc dù Singapore đang làm khá tốt để duy trì an ninh lương thực trong ngắn hạn nhưng dài hạn thì khó nói.

"Singapore không chú ý phát triển nông nghiệp vì thiếu tài nguyên, qua đó chỉ tập trung nhập khẩu lương thực. Giờ đây khi tình hình thay đổi thì mọi người mới chú ý đến nông nghiệp, thế nhưng dù có là dự án nào thì cũng cần thời gian để xây dựng trước khi có hiệu quả", chuyên gia Paul Teng của trường S. Rajaratnam School of International Studies nhận định.

Nhập khẩu hơn 90% lương thực, Singapore đang làm gì để chống lạm phát? - Ảnh 2.

Theo ông Teng, dù Singapore cố gắng tự cung 30% lương thực vào năm 2030 thì chúng cũng không thể thay thế hoàn toàn được sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Việc chính phủ tập trung quá nhiều vào phát triển GDP, gia tăng thu nhập cho người dân hơn là đổ tiền vào nông nghiệp đang thể hiện mặt trái của nó rõ ràng hơn bao giờ hết.

"Khi bạn có tiền và chuỗi cung ứng lương thực không gặp vấn đề thì vẫn có thể mua được lương thực. Số lương thực mà Singapore, quốc gia với 5,8 triệu người, cần để nuôi sống nhân dân cũng không quá nhiều", ông Teng cho biết.

Tuy nhiên chính sự chủ quan này đang khiến Singapore trả giá. Đặt mục tiêu là vậy nhưng hiện nay nước này vẫn chỉ sản xuất được 10% lương thực. Người dân vẫn chuộng mua thực phẩm nhập khẩu nếu giá của chúng rẻ hơn trong nước, hệ quả là ngành nông nghiệp nội địa khó cạnh tranh với nước ngoài.

Xin được nhắc lại là Singapore thiếu tài nguyên, chi phí sản xuất cao nên sản phẩm nông nghiệp thường đắt đỏ và khó tiêu thụ nếu không có trợ giá của nhà nước.

Thậm chí với đề án "30 by 30", nhiều chuyên gia cũng lo ngại người dân sẽ chẳng chấp nhận các loại thực phẩm nhân tạo như thịt gà trong phòng thí nghiệm vì lo sợ an toàn sức khỏe.

Khó chuyển mình

Một số chuyên gia nhận định việc nhập khẩu của Singapore hiện cũng đang gặp vấn đề khi phụ thuộc quá nhiều vào 1-2 quốc gia trong vấn đề lương thực. Hệ quả là khi nguồn hàng bị đứt gãy hay lên giá, chính phủ sẽ khó lòng xoáy sở kịp.

Ví dụ Singapore nhập khẩu đến 48% thịt gà từ Brazil, 34% từ Malaysia trong năm 2021. Bởi vậy khi Malaysia cấm xuất khẩu thịt gà, thị trường Singapore đã chịu tác động mạnh.

Nhiều chuyên gia khuyến nghị Singapore có thể khuyến khích đầu tư nông nghiệp ở nước ngoài, tạo nên những nguồn cung ứng ổn định cho thị trường trong nước dù chúng khó lòng né được những lệnh cấm xuất khẩu.

"Mục tiêu của việc đầu tư nông nghiệp nước ngoài là khiến quốc gia đó dư thừa sản phẩm, qua đó hạn chế được các lệnh cấm và đảm bảo được nguồn cung lương thực cho Singapore", chuyên gia Teng nhận định.

*Nguồn: CNBC


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...