Nga "chốt" tương lai tiền điện tử
Nga có thể thu về 13 tỉ USD/năm thông qua việc quản lý và đánh thuế giao dịch tiền điện tử, các sàn giao dịch và đơn vị trung gian cũng như thu nhập từ các khoản đầu tư
Thay vì ban hành lệnh cấm, chính phủ Nga thông qua một khuôn khổ pháp lý nhằm quản lý tiền kỹ thuật số, với mục tiêu đưa chúng vào hệ thống tài chính và bảo đảm tài sản kỹ thuật số không được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động tội phạm.
Quản lý nghiêm ngặt
"Việc lưu thông tài sản kỹ thuật số sẽ được nhà nước quản lý bằng những quy định chặt chẽ với trọng tâm là bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư tư nhân" - cơ quan báo chí chính thức của Moscow thông báo hôm 8-2, đồng thời cho biết khi mọi cơ chế quản lý đi vào hoạt động, tiền điện tử sẽ được tích hợp hiệu quả vào hệ thống tài chính hiện hành.
Ngoài việc phân loại các nhà đầu tư theo diện đủ tiêu chuẩn và không đủ tiêu chuẩn, khuôn khổ pháp lý nêu trên còn đưa ra quy định chặt chẽ liên quan đến cơ chế và nền tảng trao đổi tiền kỹ thuật số. Khi đó, một trong những lợi ích chính của tiền điện tử là tính ẩn danh sẽ bị loại bỏ, bởi những người tham gia giao dịch sẽ phải xác minh danh tính.
Hoạt động giao dịch qua lại giữa tiền vật lý và tiền điện tử sẽ chỉ được phép thực hiện thông qua các tổ chức thuộc hệ thống trao đổi kỹ thuật số - các ngân hàng đã được cấp phép sau khi đăng ký vào một hệ thống đặc biệt có thể theo dõi các hoạt động xoay quanh tiền kỹ thuật số, xác định danh tính của những cá nhân tham gia vào những hoạt động này và lưu trữ hồ sơ giao dịch trong 5 năm.
Một trong những mục tiêu chính của các biện pháp nêu trên là xác định hoạt động bất hợp pháp, bao gồm sử dụng tiền điện tử để tài trợ khủng bố. Các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số nước ngoài sẽ được phép hoạt động tại Nga, với điều kiện những sàn này được cấp phép tại quốc gia mà họ đăng ký và có văn phòng đại diện ở Nga.
Những nền tảng này cần được tích hợp về mặt kỹ thuật với các ngân hàng đóng vai trò là đơn vị tổ chức của hệ thống trao đổi điện tử. Những nền tảng đăng ký tại các "thiên đường thuế" sẽ không được phép hoạt động tại Nga.
Ảnh chụp trung tâm dữ liệu của Công ty RitRiver (Nga) cung cấp dịch vụ “đào” tiền mã hóa ở TP Bratsk - Nga hồi tháng 3-2021. Ảnh: REUTERS
Sẽ có khoản thu khổng lồ từ thuế
Các nhà phân tích của chính phủ Nga khẳng định Moscow có thể thu về 13 tỉ USD/năm thông qua việc quản lý và đánh thuế giao dịch tiền điện tử, các sàn giao dịch và đơn vị trung gian cũng như thu nhập từ các khoản đầu tư, theo hãng tin The Bell.
Thông tin trên xuất hiện sau các cuộc tranh luận căng thẳng tại Nga liên quan đến tương lai của loại tiền này. Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Nga đề xuất cấm tiền điện tử nhưng ý tưởng này nhanh chóng bị những cơ quan khác của chính phủ bác bỏ. Bộ Tài chính Nga nhấn mạnh cần ban hành các quy định để cho phép chính phủ quản lý giao dịch tiền kỹ thuật số chặt chẽ hơn, bởi việc triển khai lệnh cấm là bất khả thi.
Nga bắt đầu xem tiền điện tử là một loại tiền hợp pháp kể từ tháng 1-2021, 6 tháng sau khi Tổng thống Vladimir Putin ký sắc lệnh cho phép tài sản kỹ thuật số đứng chung hàng ngũ với tài sản vật lý nhưng chưa cho phép sử dụng chúng làm phương tiện thanh toán.
Theo giới chuyên gia, động thái mới nhất của Nga nhằm quản lý tiền kỹ thuật số có thể thôi thúc các quốc gia khác tiếp bước.
"Nhìn chung, các nhà chức trách đã bắt đầu nhận ra rằng tiền điện tử đang thiết lập một chỗ đứng vững chắc trong thời đại số hóa. Hậu quả chính trị và kinh tế của lệnh cấm dường như lớn hơn nhiều so với rủi ro liên quan đến việc cho phép chúng cùng tồn tại với các hệ thống tài chính kế thừa" - chuyên gia Anto Paroian của quỹ đầu tư tài sản kỹ thuật số ARK36 (Cyprus) khẳng định.
Những tháng qua, theo trang tin Block Works, Quốc hội Mỹ đã tổ chức nhiều phiên họp về tiền kỹ thuật số và giới quan sát nhận định Washington có thể sớm ban hành những quy định rõ ràng hơn.
Trong dự luật được đệ trình vào tuần rồi nhằm giúp việc sử dụng tài sản kỹ thuật số hằng ngày trở nên thiết thực hơn, 4 nghị sĩ Mỹ kêu gọi miễn thuế cho các giao dịch có giá trị từ 200 USD trở xuống. Nhà sáng lập Công ty Pomp Investments (Mỹ) Anthony Pompliano nhận định động thái mới nhất của Nga về tiền điện tử có thể buộc Mỹ tăng tốc.