Toan tính của Trung Quốc từ e-CNY
Trung Quốc đang hướng đến tương lai người dân có thể chạm điện thoại với nhau để chuyển nhân dân tệ điện tử mà không cần internet.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) bắt đầu nghiên cứu về đồng nhân dân tệ kỹ thuật số (e-CNY) từ năm 2014 và đang dẫn đầu lĩnh vực này. Theo kênh CNBC, e-CNY không phải loại tiền ảo như bitcoin vì do PBOC phát hành và kiểm soát.
Bahamas là nước đầu tiên tung ra tiền điện tử Sand Dollar vào tháng 10-2020 nhưng Tạp chí Tài Tân nhận định Trung Quốc có khả năng sẽ là nền kinh tế lớn đầu tiên giới thiệu một loại tiền điện tử có chủ quyền.
Chủ tịch Tập Cận Bình từng nhấn mạnh sự cần thiết của thiết lập các quy tắc quốc tế về tiền kỹ thuật số và thuế kỹ thuật số để tạo ra lợi thế cạnh tranh mới.
Đến nay, PBOC đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho hệ thống thanh toán tiền điện tử online (DCEP) và lưu hành thử nghiệm cục bộ ở một số thành phố, bao gồm Thâm Quyến và Tô Châu. Trung Quốc cho sử dụng e-CNY dưới hình thức "bao lì xì" và người dùng được tặng một khoản nhỏ tiền điện tử để chi tiêu.
Vài nhà bán lẻ, như sàn thương mại điện tử JD.com, chấp nhận hình thức thanh toán này. Tuy nhiên, e-CNY vẫn chưa chính thức được sử dụng rộng rãi khắp Trung Quốc.
Trung Quốc thử nghiệm sức hút của e-CNY tại Olympic mùa đông 2022. Ảnh: REUTERS
Theo thông báo trên ứng dụng e-CNY, các khu vực diễn ra Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 nằm trong số những nơi có thể sử dụng nhân dân tệ kỹ thuật số.
Trang Bloomberg nhận định sự kiện trên là cuộc thử nghiệm lớn đầu tiên về sức hấp dẫn của đồng tiền ảo này đối với cộng đồng quốc tế. Liệu các vận động viên nước ngoài có chấp nhận e-CNY hay không vẫn là vấn đề gây ra nhiều tranh cãi. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ căng thẳng chính trị gia tăng và những quan ngại về rủi ro dữ liệu. Tháng 7-2021, 3 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mỹ (bao gồm Marsha Blackburn, Roger Wicker và Cynthia Lummis) kêu gọi Ủy ban Olympic Mỹ cấm các vận động viên Mỹ sử dụng e-CNY vì lo ngại về gián điệp và bảo mật dữ liệu.
Không chỉ thế, nhiều chuyên gia nhận định ứng dụng e-CNY sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ 2 đối thủ đang thống trị thị trường thanh toán điện tử của Trung Quốc, bao gồm Alipay của Tập đoàn Ant Group và WeChat Pay của Công ty Tencent.
Theo phân tích của Ngân hàng HSBC, động cơ thúc đẩy Trung Quốc lưu hành e-CNY là nhằm giành quyền kiểm soát các kênh thanh toán và dữ liệu tiêu dùng từ Alipay và WeChat Pay. Hai nền tảng này hiện chiếm 94% thị phần thanh toán trực tuyến tại Trung Quốc.
Giới chuyên gia dự báo việc sử dụng phổ biến e-CNY sẽ không diễn ra ngay lập tức và đồng tiền này có thể chiếm khoảng 10% thị phần thanh toán trực tuyến tại Trung Quốc trong vài năm tới.
Về lâu dài, Trung Quốc hướng đến thanh toán quốc tế bằng e-CNY, điều được cho là sẽ giúp củng cố vị thế toàn cầu của đồng nhân dân tệ khi nước này muốn phá vỡ sự thống trị của hệ thống thanh toán bằng USD.
Theo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, tính đến cuối năm 2021, hơn 260 triệu người có tài khoản e-CNY và tổng giá trị giao dịch đạt gần 90 tỉ nhân dân tệ (gần 14 tỉ USD).