Mỹ - Đức trừng phạt "vũ khí 11 tỉ USD" của Nga
Tổng thống Joe Biden hôm 23-2 tuyên bố Mỹ sẽ cùng Đức áp đặt các biện pháp trừng phạt với dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2 của Nga, mở rộng các hình phạt đối với Moscow sau khi nước này công nhận độc lập các vùng ly khai của Ukraine.
Các lệnh trừng phạt, nhắm vào công ty Nord Stream 2 AG và Giám đốc điều hành là Matthias Warnig, làm tăng thêm áp lực lên dự án. Ông Biden cho biết: "Tôi đã chỉ đạo chính quyền áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nord Stream 2 AG và các lãnh đạo của công ty này".
Trong tuyên bố ngày 23-2, ông Biden ca ngợi Đức là "người đi đầu" về vấn đề này và nói rằng phương Tây "sẽ không ngần ngại thực hiện các bước tiếp theo nếu Nga tiếp tục leo thang căng thẳng".
Tuyên bố được đưa ra chỉ một ngày sau khi Đức tuyên bố tạm dừng dự án đường ống khí đốt này. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) lo ngại dự án sẽ làm tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga.
Tổng thống Joe Biden áp trừng phạt công ty Nord Stream 2 AG và quan chức doanh nghiệp để đáp trả động thái Nga tăng áp lực quân sự với Ukraine. Ảnh: Reuters
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price, "bằng cách hành động cùng với Đức, Mỹ đảm bảo rằng khoản đầu tư trị giá 11 tỉ USD này hiện giờ chỉ là một đống thép, nằm dưới đáy biển".
Ông Biden nói thêm: "Thông qua các hành động của mình, Tổng thống Putin đã tạo cho thế giới một động lực to lớn để tránh xa khí đốt của Nga và chuyển sang các dạng năng lượng khác".
Nord Stream 2 gây nhiều tranh cãi. Ảnh: AP
Nord Stream 2 là một trong những sáng kiến địa chiến lược cấp cao nhất của Nga. Nord Stream 2 được xây dựng để dẫn khí đốt tự nhiên của Nga đến Đức dưới biển Baltic, bỏ qua tuyến đường bộ hiện tại đi qua Ukraine. Dự án này từ lâu đã gây nhiều tranh cãi.
Đường ống này được coi là một cách hiệu quả để cung cấp năng lượng cho EU, vốn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu của Moscow. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng dự án này cũng sẽ thắt chặt sự kìm kẹp chiến lược của Nga đối với các quốc gia châu Âu, đồng thời làm suy yếu Ukraine.
Nhà Trắng từng ngăn nỗ lực của quốc hội nhằm áp trừng phạt với đường ống, cho rằng nó đã hoàn thành 90% xây dựng vào thời điểm ông Biden nhậm chức và đồng minh Đức rất mong dự án được hoàn thành.
Cách nay không lâu, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt nhằm vào ngân hàng Nga, một số nhà tài phiệt cùng nhiều biện pháp khác.