Mỹ chưa muốn để Ukraine gia nhập NATO?
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden phản đối nỗ lực của một số đồng minh châu Âu đề xuất “lộ trình” rõ ràng cho Ukraine gia nhập NATO tuy vẫn kêu gọi cung cấp viện trợ ngắn hạn cho Kiev.
Mỹ đang đứng về phía Đức và Hungary phản đối những nỗ lực từ phía Ba Lan và một số quốc gia vùng Baltic nhằm thúc đẩy NATO kết nạp Ukraine trong tương lai, theo tờ Financial Times.
Vấn đề đã được tranh luận trong tuần này tại một cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao NATO ở Brussels - Bỉ, nơi các thành viên liên minh bàn luận chương trình nghị sự cho hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo khối, dự kiến diễn ra vào tháng 7 tại Vilnius - Lithuania.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (phải) và người đồng cấp Ukraine tại một sự kiện ở Warsaw ngày 5-4. Ảnh: Reuters
Mặc dù 31 thành viên NATO đồng ý rằng không thể trao tư cách thành viên cho Ukraine trong thời gian ngắn, các cuộc đàm phán trong tuần này đã bộc lộ sự chia rẽ rõ ràng về tầm nhìn của nhóm đối với Kiev.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo rằng ông sẽ chỉ tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius nếu các nhà lãnh đạo đưa ra lộ trình rõ ràng để Kiev gia nhập NATO, chẳng hạn như đảm bảo an ninh và hợp tác chặt chẽ hơn với liên minh.
Theo New York Times, Ukraine đã nộp đơn gia nhập NATO vào tháng 9-2022 nhưng các quan chức NATO xem đơn này như là lời đề nghị cho một tương lai hòa bình hơn. Các thành viên NATO sẽ tiếp tục thảo luận ở Vilnius nhưng sẽ không dễ đi đến thỏa hiệp mang tính tượng trưng cũng như làm hài lòng Kiev.
Một quan chức phương Tây cho biết: "Chúng tôi có vài tuần đàm phán khó khăn phía trước để thu hẹp khoảng cách đó và tạo ra một kết quả chính trị".
Các thành viên liên minh quân sự này đã đồng ý hồi năm 2008 rằng Ukraine sẽ được phép gia nhập NATO vào một thời điểm nào đó. Khi đó, Mỹ từng thúc đẩy việc cho Kiev khung thời gian rõ ràng và một kế hoạch hành động chi tiết để trở thành thành viên. Tuy nhiên, Pháp và Đức phản đối vì lo ngại rằng một bước đi như vậy sẽ khiêu khích Nga.
Giờ đây, Washington lại lo ngại việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ của liên minh với Ukraine sẽ khiến Nga tuyên bố cuộc khủng hoảng hiện tại là xung đột giữa Moscow và NATO. Động thái này có thể thúc đẩy Nga leo thang xung đột bằng việc triển khai vũ khí hạt nhân.