A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng thống Pháp, Chủ tịch Ủy ban châu Âu thăm Trung Quốc

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đến thăm Trung Quốc nhằm thúc đẩy tương tác sâu rộng giữa EU và Bắc Kinh.

Tổng thống Pháp, Chủ tịch Ủy ban châu Âu thăm Trung Quốc

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: VCG

Tăng cường hiểu biết

Nhận lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc từ ngày 5-7.4 - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh thông báo hôm 3.4.

Trong chuyến thăm, Tổng thống Macron sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, và Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Triệu Lạc Tế.

Theo Hoàn cầu Thời báo, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Macron sẽ cùng nhau vạch ra sự phát triển trong tương lai của quan hệ song phương, tăng cường hợp tác Trung Quốc - Pháp và Trung Quốc - EU trong nhiều lĩnh vực, đồng thời trao đổi quan điểm về các điểm nóng quốc tế và khu vực.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh, trong những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo chiến lược của hai nguyên thủ quốc gia, quan hệ Trung Quốc - Pháp đã duy trì sự phát triển lành mạnh, hợp tác thiết thực, hiệu quả trong các vấn đề quốc tế và khu vực.

Trung Quốc sẵn sàng cùng Pháp coi chuyến thăm này là cơ hội để tạo ra những kết quả mới trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện chặt chẽ và lâu dài giữa hai nước, thúc đẩy quan hệ Trung Quốc - EU phát triển lành mạnh, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Xinhua

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Xinhua

Theo thỏa thuận giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cũng thăm Trung Quốc từ ngày 5-7.4.

Năm nay đánh dấu kỉ niệm 20 năm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - EU. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh, sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ Trung Quốc - EU là vì lợi ích chung của cả hai bên và có lợi cho hòa bình và ổn định thế giới.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế đầy biến động, những thách thức an ninh toàn cầu gia tăng và sự phục hồi kinh tế chậm chạp, Trung Quốc và EU nên "nêu cao tinh thần tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi, vượt qua những gián đoạn và khó khăn, đồng thời tập trung vào sự đồng thuận và hợp tác" - phát ngôn viên Mao Ninh lưu ý.

Fu Cong - người đứng đầu phái đoàn Trung Quốc tại EU - cho biết, "những chuyến thăm quan trọng này, trước hết, thể hiện các nước châu Âu và các tổ chức EU coi trọng quan hệ với Trung Quốc, coi Trung Quốc là một bên đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề toàn cầu".

Cui Hongjian - giám đốc Khoa Nghiên cứu Châu Âu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc - nhận định, các chuyến thăm của các nhà lãnh đạo châu Âu đã nêu bật sự đồng thuận rằng Trung Quốc và EU nên duy trì các kênh liên lạc thông suốt và tổ chức các cuộc trao đổi sâu rộng để tăng cường lòng tin, biến sự đồng thuận của lãnh đạo thành hành động thực chất.

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: Xinhua

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: Xinhua

Mở rộng điểm chung

Bất chấp những khác biệt, Trung Quốc và EU đồng ý về tầm quan trọng của mối quan hệ Trung Quốc - EU, chia sẻ sự đồng thuận khi đàm phán và cần hợp tác trong nhiều lĩnh vực - ông Cui nói.

Truyền thông châu Âu và Mỹ cho rằng cuộc khủng hoảng Nga - Ukraina sẽ là chủ đề được thảo luận trong chuyến thăm của ông Macron và bà von der Leyen.

Reuters cho hay, ông Macron dự kiến đưa ra lập trường của EU trong việc thuyết phục Trung Quốc về vấn đề này và quyết định của Nga đặt vũ khí hạt nhân ở Belarus có thể mang lại cho EU một con bài thương lượng.

Trung Quốc đã công bố lập trường gồm 12 điểm nhằm ủng hộ một giải pháp chính trị, thúc đẩy chấm dứt chiến sự và đàm phán giữa các bên liên quan.

Ông Cui cho biết, mặc dù Trung Quốc và EU có nhiều quan điểm khác nhau về cuộc khủng hoảng, nhưng EU có thái độ tích cực và kỳ vọng vào năng lực cũng như sự sẵn sàng của Trung Quốc trong việc đóng vai trò lớn hơn trong hòa giải và quản trị an ninh toàn cầu.

Các điều kiện có thể chưa chín muồi cho các cuộc đàm phán hòa bình vào lúc này, nhưng chuyến thăm có thể xác định những điểm chung giữa Trung Quốc và EU và đặt nền tảng cho các hành động chung trong tương lai, có lợi cho việc hiện thực hóa hòa bình và một cấu trúc an ninh tốt hơn ở châu Âu - chuyên gia Cui nhận định.

Thương mại cũng sẽ là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Macron, khi ông mang theo một phái đoàn lớn gồm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp bao gồm đại diện từ EDF, Alstom, Veolia và gã khổng lồ hàng không vũ trụ Airbus.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết