Khủng hoảng năng lượng ở Đức: Một mặt hàng vốn đã "nóng", nay lại càng thêm "nóng" vì một nỗi lo của người dân
Giữa khủng hoảng năng lượng, những nhà sản xuất nến ở Đức đang hưởng lợi, theo đài NPR (Mỹ).
"Hiện tại, người dân có nhu cầu rất lớn về nến", ông Stefan Thomann, Giám đốc Kỹ thuật của Hiệp hội các nhà sản xuất nến châu Âu cho biết.
Nhu cầu mua nến bắt đầu "bùng nổ" trong thời kỳ đại dịch, sau khi chính phủ ban bố lệnh phong tỏa, khiến người Đức phải ở nhà nhiều hơn. Ông Thomann cho biết xu hướng này vốn đã được dự kiến sẽ kết thúc sau khi Đức mở cửa trở lại, "nhưng sau đó xung đột quân sự ở Ukraine lại nổ ra."
Trước khi xung đột quân sự Nga-Ukraine nổ ra, Đức đã nhập khẩu hơn 50% nhu cầu khí đốt tự nhiên từ Nga. Đây là khách hàng mua khí đốt tự nhiên lớn nhất của Nga trong Liên minh châu Âu (EU), và nhiều người Đức sử dụng loại nhiên liệu này để sưởi ấm nhà cửa, sản xuất điện và vận hành các nhà máy của họ.
Sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, Đức đã bắt đầu giảm nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga. Tuy nhiên các nền kinh tế của Đức phụ thuộc khá nhiều vào khí đốt Nga, và các chính trị gia không muốn dòng chảy này bị cắt đứt hoàn toàn.
Thế nhưng vào mùa hè năm nay, Nga đã cắt dòng chảy khí đốt đến Đức với lý do một đường ống dẫn khí đốt chính ở Biển Baltic cần được bảo trì. Sau đó, vào tháng 9, các vụ nổ bí ẩn đã xảy ra khiến các đường ống Nord Stream 1 và 2 của Nga bị hư hại nặng.
Các quan chức vẫn đang tranh luận về nguyên nhân của vụ nổ, nhưng dù lý do là gì, thì Nga gần như đã "khóa van" hoàn toàn sang Đức.
Đức hiện đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế năng lượng và giảm mức tiêu thụ khí đốt, và cũng đã đạt được những tiến bộ thực sự trong lĩnh vực này. Song, nhiều người dân Đức vẫn lo lắng về giá năng lượng cao, cùng nguy cơ thiếu điện và mất điện. Nhiều người đã cố gắng tích trữ thật nhiều nến để chuẩn bị cho kịch bản này.
Đức cải tổ nguồn cung năng lượng
"Vào đầu năm nay, đã có nhiều ý kiến lo ngại rằng tình trạng giảm tiêu thụ khí đốt này sẽ dẫn đến hậu quả là sự sụp đổ của ngành công nghiệp Đức", ông Guntram Wolff, Giám đốc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức cho hay.
Chính phủ Đức đã nỗ lực giảm tiêu thụ khí đốt và đa dạng hóa nguồn cung năng lượng. Mùa thu năm nay, chính phủ Đức đã ban hành các biện pháp mới nhằm giảm nhu cầu khí đốt và giúp đất nước vượt qua mùa đông - thời điểm nhu cầu sử dụng điện cao hơn.
Người Đức hiện đang được khuyến khích thực hiện những biện pháp tiết kiệm năng lượng như sử dụng ít nước nóng hơn, tắt đèn tại các di tích công cộng và các bảng quảng cáo sau 10 giờ tối, không làm ấm nước trong các bể bơi tư nhân, và giảm nhiệt độ sưởi trong nhiều tòa nhà công cộng.
Ông Moritz Kuhn, Giáo sư kinh tế tại Đại học Bonn, cho biết: "Có những quy định cho tất cả các tòa nhà công cộng, chẳng hạn như việc không bật sưởi ấm trong giảng đường". Ông Kuhn cho biết trường đại học của ông còn phát cho các giáo sư máy đo nhiệt độ để theo dõi và duy trì nhiệt độ phòng ở mức 19 độ C - nhiệt độ tối đa mà các văn phòng hiện được phép sưởi ấm.
Trong một nghiên cứu được công bố vào đầu năm nay, Giáo sư Kuhn và các đồng nghiệp của ông đã phân tích nền kinh tế khí đốt tự nhiên của Đức. Họ kết luận rằng, nếu Đức có thể giảm khoảng 20% nhu cầu khí đốt và chuyển đổi thành công nguồn cung của mình, thì nước này có thể vượt qua mùa đông năm nay mà không phải trải qua tình trạng mất điện nghiêm trọng.
Và đó chính xác là những gì nước Đức đang nỗ lực thực hiện. Thay vì mua khí đốt từ Nga, Đức hiện đang nhập khẩu khí đốt từ những nơi khác như Hà Lan, Na Uy, Bỉ, Qatar và Mỹ. Và Đức cũng đang xây dựng cơ sở hạ tầng mới để tăng lưu lượng khí đốt tự nhiên từ những nguồn này và các nguồn không phải của Nga.
Đức cũng đã nỗ lực nhằm đa dạng hóa tiêu thụ năng lượng từ khí đốt tự nhiên. Người Đức đang chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời nhiều hơn. Đức cũng sử dụng than đá nhiều hơn để bù đắp lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu giảm.
Song, bất chấp những nỗ lực phối hợp nhằm giảm nhu cầu khí đốt, cũng như thúc đẩy và đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng, giá khí đốt tự nhiên ở Đức vào tháng 9 đã tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Sau đó giá khí đốt đã giảm nhẹ từ mức đỉnh, nhưng vẫn đắt hơn nhiều so với trước xung đột Ukraine. Mặc dù Đức đã tìm đến các nguồn cung khí đốt mới, nhưng loại khí đốt này lại có giá cao hơn do nguồn cung giảm và chi phí vận chuyển cao hơn.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đảm bảo với người dân rằng họ sẽ có đủ năng lượng để vượt qua mùa đông năm nay. Ông Ben Moll, một nhà kinh tế học từ Trường Kinh tế London, cho biết dự trữ khí đốt tự nhiên của Đức vẫn ở mức gần 100%, đủ để tồn tại trong ít nhất hai tháng rưỡi tới.
Tuy nhiên, ông Moll cho biết thêm rằng người Đức vẫn có lý do để lo ngại: "Dự trữ nhiên liệu giống như pin điện thoại của bạn. Hãy coi việc thiếu khí đốt của Nga giống như việc bạn quên mang sạc điện thoại khi đi du lịch. Bạn sẽ không thể hào hứng dù pin đã được sạc đầy 100%, vì bạn biết rằng nó chỉ đủ dùng trong một ngày."
Nhu cầu về nến bùng nổ
Trong bối cảnh xung đột địa chính trị và khủng hoảng năng lượng, cảm giác bất an về năng lượng đã bao trùm nước Đức. Giá năng lượng đã tăng chóng mặt. Và bởi vì ở Đức, khí đốt tự nhiên được sử dụng để tạo ra điện, nên nỗi lo mất điện cũng tăng lên.
Chính phủ Đức đã trấn an người dân rằng tình trạng mất điện quy mô lớn sẽ khó xảy ra, nhưng vẫn khuyến khích người dân chuẩn bị sẵn sàng và kêu gọi người dân tiết kiệm năng lượng.
Chẳng hạn, mùa thu năm nay, Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Liên bang Đức đã ban hành những hướng dẫn tiết kiệm năng lượng cho người dân. Văn phòng Bảo vệ Dân sự và Hỗ trợ Thảm họa Đức cũng đã ban hành hướng dẫn chuẩn bị cho trường hợp mất điện cho mùa đông - bao gồm chuẩn bị quần áo ấm, đèn pin, đèn cắm trại ngoài trời và... nến.
Ngoài nến, nhu cầu về máy sưởi di động cũng đã tăng lên và cơ quan tiện ích của Đức đã cảnh báo không nên lạm dụng chúng, do lo ngại lưới điện sẽ bị quá tải.
Nhà kinh tế học Moritz Kuhn từ Đại học Bonn cho biết bạn bè và gia đình của ông đã cố gắng mua củi để sưởi ấm cho căn hộ của họ, nhưng củi đốt luôn trong tình trạng hết hàng hoặc có mức giá cao một cách vô lý.
Mặc dù vậy, các nhà kinh tế học mà NPR phỏng vấn đều khẳng định rằng Đức đang chuyển đổi thành công khỏi năng lượng của Nga. Ông Guntram Wolff, từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, nói rằng "cuộc khủng hoảng" mà nhiều người lo sợ vào đầu năm nay đã không xảy ra.
Đức hy vọng sẽ tạo ra bước nhảy vọt tới 100% năng lượng tái tạo vào năm 2035. Ông Kuhn nói rằng đây là điều mà Đức sớm muộn gì cũng phải làm, "chỉ là chúng tôi tua nhanh quá trình chuyển đổi một chút."