A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khép lại hy vọng thoát nghèo

Do người đi trước bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp đã khiến người đi sau không còn cơ hội ra nước ngoài làm việc, bị dập tắt cơ hội thoát nghèo

"Niềm vui chưa trọn vẹn đã vụt tắt, kể từ khi nhận được tin không thể sang Hàn Quốc làm việc. Cảm giác mọi thứ sụp đổ ngay trước mắt mình" - đó là tâm sự buồn của chị Cao Thị Hải (ngụ thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch). Chị Hải là 1 trong 55 lao động nghèo ở Quảng Bình được tuyển chọn đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại TP Yeongju, tỉnh Gyeongsangbuk nhưng bị phía Hàn Quốc từ chối cấp thị thực.

Nghèo lại hoàn nghèo

Gia đình chị Hải thuộc diện có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở địa phương. Tháng 6-2022, khi có thông báo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình về tuyển chọn người lao động (NLĐ) đi làm việc thời vụ ở Hàn Quốc trong đợt 2, chị đã ghi danh tham gia với nhiều hy vọng.

Khi có thông báo trúng tuyển, chị Hải khấp khởi hy vọng về một tương lai không phải chạy vạy bữa đói bữa no như cuộc sống hiện tại. Không có tiền, chị vay mượn anh em, họ hàng để đóng tiền ký quỹ, tiền nộp học và lo thủ tục, chỗ ăn ở suốt gần 1 tháng trời ở TP Đồng Hới để được đào tạo, bồi dưỡng. Khi mọi thứ đã sẵn sàng, chỉ đợi đến ngày lên đường thì thông tin Hàn Quốc từ chối cấp thị thực cho chị Hải và 54 lao động khác trong đợt tuyển dụng lần này, đồng nghĩa với việc cánh cửa sang Hàn Quốc làm việc khép lại, khiến chị như gục ngã.

"Tôi thực sự bị sốc và đã khóc rất nhiều. Trước đó, đang làm công nhân cho một công ty ở địa phương, lương ba cọc ba đồng nhưng vì thấy có cơ hội để đổi đời nên xin nghỉ việc để đi Hàn Quốc. Nay tôi xin trở lại làm việc thì công ty không nhận nữa. Tôi cũng chưa biết phải tính sao" - chị Hải nghẹn ngào.

Khép lại hy vọng thoát nghèo - Ảnh 1.

Những lao động được tuyển chọn đợt 2 đã được đào tạo cơ bản về lĩnh vực nông nghiệp để sang Hàn Quốc

Tương tự là trường hợp vợ chồng chị Trương Thị Lý - anh Phạm Mi Ca ở xã miền núi Lâm Trạch, huyện Bố Trạch. Anh chị thuộc diện hộ cận nghèo, gia đình 5 người sống trong căn nhà dột nát, vợ chồng phải chạy từng bữa để nuôi 2 con nhỏ cùng mẹ già. Khi được xét trúng tuyển, anh chị đã bán tất cả số heo, gà cùng con bò vốn là tài sản lớn nhất của gia đình để lấy tiền đóng quỹ, sửa soạn lên đường. Không đi được, vợ chồng chị không biết bắt đầu từ đâu để mưu sinh.

"Khi được thông báo trúng tuyển, chúng tôi quyết định gửi 2 con cho người thân để sang Hàn Quốc, cứ nghĩ gắng bảo ban nhau làm việc thật tốt để có chút vốn liếng, nay mai về còn có tiền để đầu tư làm ăn. Nhưng giờ không biết phải làm sao khi heo, gà đều bán sạch rồi. Mấy hôm nay hàng xóm cứ hỏi khi nào bay, tôi không biết trả lời sao, nghĩ lại chua chát lắm" - chị Lý buồn bã.

Việc phía Hàn Quốc ngừng cấp thị thực ngay trước thời điểm 55 NLĐ ở Quảng Bình đợt 2 đã sẵn sàng mọi thủ tục để lên đường đã khép lại cánh cửa hy vọng ra nước ngoài làm việc để thoát nghèo, vô tình đẩy nhiều người nghèo vào cảnh khốn khó.

Phải biết chiến thắng cám dỗ

Trong số 41 NLĐ ở Quảng Bình được tuyển chọn sang TP Yeongju - Hàn Quốc làm việc đợt 1, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình, đến thời điểm hiện tại, 34/41 người đã bỏ trốn; 7 người còn lại làm đúng thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng đã trở về quê hương hôm 15-9, sau 5 tháng làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Thạnh (xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy) là 1 trong 7 NLĐ đợt 1 vừa trở về từ Hàn Quốc. Chị kể ngay khi kết thúc hợp đồng, 7 người gặp lại nhau ở sân bay mà vui mừng khôn tả. Chị và mọi người mừng vì sắp sửa được gặp lại gia đình, quê hương nhưng điều đáng mừng hơn là bản thân họ đã chiến thắng những cám dỗ, lôi kéo bỏ trốn, lao động "chui" thu nhập cao ở nước bạn.

"Đã có những thời điểm chúng tôi thực sự hoang mang khi những người đồng hương cứ thế bỏ trốn. Nhưng từ quê nhà, những tin nhắn, cuộc điện thoại động viên đã tiếp thêm cho chúng tôi động lực. Những anh em ít ỏi còn lại cứ nói với nhau rằng lương tháng không bằng… lương tâm, không thể vì mình mà phụ lòng tin của bao nhiêu người và ảnh hưởng đến bao người khác" - chị Thạnh tâm sự.

Anh Ngô Đình Quang (phường Nam Lý, TP Đồng Hới) cũng là lao động trở về lần này. Hơn ai hết, anh hiểu rằng thành công nhất của chuyến ly hương lần này là chiến thắng chính mình. Đã có rất nhiều lời rủ rê, lôi kéo ở lại bất hợp pháp nhưng anh gạt đi và quyết định trở về. "Với tôi, được đi Hàn Quốc là may mắn lắm rồi. Sau 5 tháng làm việc với mức lương 40 triệu đồng/tháng, tôi đã dành dụm một khoản kha khá và sẽ dùng số tiền đó để làm ăn nuôi sống bản thân và gia đình" - anh Quang bày tỏ.

Anh Quang rất buồn khi nghe thông tin 55 NLĐ đợt 2 không thể xuất cảnh sang Hàn Quốc mà nguyên nhân chính là do 34 NLĐ đợt 1 cùng làm việc với anh đã bỏ trốn, nên nước bạn từ chối cấp thị thực. "Ở Hàn Quốc thực sự có nhiều thứ cám dỗ, thu nhập từ việc làm "chui" quá cao nên nhiều người tìm cách trốn ra ngoài. Nhưng họ không hiểu được rằng sự ích kỷ của mình đã ảnh hưởng đến biết bao người khác" - anh Quang nói.

Sẽ hỗ trợ lao động không xuất cảnh được

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình, cho biết hiện 55 NLĐ đợt 2 đã được hỗ trợ hơn 9 triệu đồng/người cho các khoản học ngoại ngữ, nghề, giáo dục định hướng... Những lao động này cũng sẽ được ưu tiên giới thiệu việc làm trong nước và đi làm việc ở nước ngoài theo các chương trình khác, phù hợp nếu có nhu cầu. Đồng thời, sở cũng có văn bản đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ thêm một phần kinh phí nhằm san sẻ khó khăn với họ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...