Cùng công nhân vượt khó
Tinh thần sẻ chia của người lao động và tổ chức Công đoàn đã giúp doanh nghiệp trụ vững trong giai đoạn khó khăn
Ba năm qua là thời điểm khó khăn nhất đối với cả ban giám đốc và tập thể người lao động (NLĐ) Công ty TNHH Ampfield (100% vốn nước ngoài; KCN Tân Bình, TP HCM) bởi hoạt động sản xuất - kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Công ty đã phải 3 lần tạm ngưng sản xuất, buộc phải chuyển xưởng và thu hẹp hoạt động. Tuy nhiên, tại buổi đối thoại với Công đoàn cơ sở mới đây, ông Serge Allegret, giám đốc công ty, đã cam kết dù khó khăn đến mấy vẫn sẽ cố gắng giữ việc làm cho công nhân (CN).
Hợp tác cởi mở
Theo bà Võ Thị Sáu, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Ampfield, doanh nghiệp (DN) bắt đầu gặp khó khăn từ tháng 4-2020 khi khách hàng tại Pháp tạm ngưng đặt hàng do dịch. Đó cũng là lần đầu DN này buộc phải tạm ngưng sản xuất gần 2 tháng. Sau đó, do tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, công ty đã trải qua 2 lần tạm đóng cửa thêm gần 4 tháng; buộc phải thu hẹp sản xuất, chuyển sang một nhà máy có diện tích nhỏ hơn để tiết kiệm chi phí.
DN rơi vào khủng hoảng khiến việc làm bị gián đoạn, thu nhập của CN giảm sút, thậm chí có thời điểm công ty còn chậm trả lương và trích nộp BHXH. Đứng trước tình thế đó, 3 năm qua, rất nhiều cuộc đối thoại giữa Công đoàn và ban giám đốc công ty đã được tổ chức nhằm tháo gỡ khó khăn chung. Nhờ sự cởi mở, chân tình từ hai phía mà mọi khúc mắc dần được giải quyết. NLĐ sẵn sàng thông cảm với chủ DN. Ngược lại, DN cũng tìm mọi cách để bảo đảm việc làm, trả lương đúng hạn và đóng đủ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ.
Công nhân Công ty TNHH May thêu Thuận Phương được khám sức khỏe miễn phí Ảnh: HUỲNH NHƯ
Thành công đó có được không thể không nói đến vai trò của Công đoàn trong việc vận động CN. Thời điểm DN gặp khó, Công đoàn đã lập group Zalo và mời gọi tất cả CN tham gia. Mọi vấn đề về sản xuất - kinh doanh, chăm lo của Công đoàn… đều được công khai thông tin trên group này. Đây cũng là kênh tiếp nhận ý kiến của NLĐ.
Bà Sáu nhớ lại: "Lúc khó khăn nhất, DN không thể trả lương đúng hạn. Dù CN cảm thông và chấp nhận phương án chậm trả lương nhưng biết nhiều anh chị ở trọ chịu gánh nặng tiền trọ, điện, nước… nên tôi vừa thương thảo với ban giám đốc ứng hoặc trả trước lương cho các trường hợp đó vừa phải khéo léo giải thích với NLĐ để họ không có sự phân bì".
Đến nay, đơn hàng của Công ty TNHH Ampfield đã ổn định. Mới đây, Công đoàn đã đề xuất ban giám đốc tăng 6% đơn giá tiền công cho CN. Hiện thu nhập thấp nhất của CN làm công việc đơn giản cũng đạt trên 6 triệu đồng/người/tháng.
Người lao động vững tâm
Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist (quận 1, TP HCM) cũng vượt khó thành công nhờ tinh thần sẻ chia của ban giám đốc và tập thể NLĐ.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, đại diện Công đoàn công ty, cho biết dịch bệnh đã tác động nặng nề đến DN khi tất cả hoạt động du lịch nước ngoài và cả khách quốc tế đến Việt Nam đều bị đình trệ. Để có thể trụ lại trong giai đoạn khó khăn, ban giám đốc cùng Đảng ủy, Công đoàn công ty đã nỗ lực tìm cách chăm lo và giữ NLĐ.
Theo đó, công ty có chính sách hỗ trợ mức lương tối thiểu cho NLĐ đồng thời mở ra 2 con đường cho họ. Một là, NLĐ vẫn đi làm hưởng lương cơ bản dù công việc ít đi. Hai là, NLĐ nghỉ hẳn để tìm công việc khác, hết dịch sẽ quay trở lại làm việc. Nhờ chính sách linh động này mà sau khi dịch COVID-19 được khống chế, nhiều NLĐ đã quay trở lại làm việc.
Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng Saigontourist vẫn cố gắng duy trì BHYT, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho toàn bộ nhân viên nhằm đem đến sự an tâm, tin tưởng của NLĐ. Công đoàn cơ sở cũng chủ động kết nối với NLĐ qua nhiều kênh thông tin nội bộ; phối hợp cùng Công đoàn cấp trên tổ chức nhiều đợt hỗ trợ CN khó khăn, từ đó giúp NLĐ vững tâm hơn.
"Trải qua nhiều thử thách như vậy càng khiến tinh thần đoàn kết nội bộ được nâng lên. Đến nay, DN đã mở rộng 100 hành trình tour trong nước và nước ngoài đến hơn 30 quốc gia, mục tiêu là sẽ phục vụ hơn 400.000 lượt khách trong các dịp lễ, Tết sắp tới" - bà Trà cho biết.
Tương tự, Công ty TNHH May thêu Thuận Phương (quận 6, TP HCM), dù đối diện nhiều thử thách từ khi dịch bệnh bùng phát nhưng gần 4.000 NLĐ vẫn gắn bó với DN. Có được kết quả này là nhờ các chính sách chăm lo hiệu quả của DN và Công đoàn.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May thêu Thuận Phương, từ khi dịch bệnh bùng phát, bên cạnh việc bảo đảm thu nhập, vấn đề chăm lo dinh dưỡng và sức khỏe cho NLĐ được ban giám đốc quan tâm nhiều hơn. Không chỉ đầu tư vào việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ và bệnh nghề nghiệp cho NLĐ, DN còn xây dựng bếp ăn tập thể với suất ăn bảo đảm dinh dưỡng và an toàn, nhất là dịp cuối tuần, để NLĐ hạn chế tiếp xúc môi trường khói bụi khi phải ra ngoài ăn. Bên cạnh đó, Công đoàn cũng phối hợp tổ chức tư vấn và khám sức khỏe miễn phí cho NLĐ ngay sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát để họ yên tâm làm việc.
Trong mọi hoàn cảnh, Công đoàn luôn cùng ban giám đốc tìm cách gỡ khó nhưng mục tiêu cuối cùng vẫn là bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của NLĐ".
Bà VÕ THỊ SÁU, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Ampfield