G7 phản đối Trung Quốc quân sự hóa biển Đông
"Không có cơ sở pháp lý cho các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở biển Đông và chúng tôi phản đối các hành động quân sự hóa của Trung Quốc trong khu vực"
Khép lại 3 ngày họp tại Karuizawa - Nhật Bản, Bộ trưởng Ngoại giao nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7, gồm Nhật Bản, Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Ý, Canada) hôm 18-4 tuyên bố rằng hòa bình và ổn định là yếu tố không thể thiếu của an ninh toàn cầu, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi Trung Quốc hành xử có trách nhiệm với tư cách là thành viên của cộng đồng quốc tế.
Hãng tin ANI (Ấn Độ) dẫn tuyên bố chung của G7 khẳng định: "Chúng tôi vẫn rất lo ngại về tình hình ở biển Hoa Đông và biển Đông. Chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất cứ ý đồ đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc đe dọa. Không có cơ sở pháp lý cho các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở biển Đông và chúng tôi phản đối các hành động quân sự hóa của Trung Quốc trong khu vực".
G7 đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Bộ trưởng Ngoại giao nhóm G7 và đại diện của Liên minh châu Âu nhóm họp trong ngày 18-4 tại Karuizawa - Nhật Bản. Ảnh: REUTERS
Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết đây là lần đầu tiên G7 đưa vào tuyên bố chung cam kết về một trật tự thế giới dựa trên luật lệ, tự do và rộng mở.
Ngoài ra, tuyên bố chung nhấn mạnh hòa bình và ổn định hai bên bờ eo biển Đài Loan là "yếu tố không thể thiếu trong an ninh và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế". Theo Japan Today, các bộ trưởng đã bày tỏ mối lo lắng ngày càng tăng sau khi Trung Quốc điều máy bay và tàu tập trận quanh Đài Loan (Trung Quốc).
Các bộ trưởng G7 đồng thời yêu cầu Triều Tiên "kiềm chế" không tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo. Theo AP, từ đầu năm ngoái đến nay, Triều Tiên đã phóng thử khoảng 100 tên lửa, bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng bắn đến lục địa Mỹ.
Tuyên bố chung của G7 cũng "cam kết tăng cường trừng phạt Nga" liên quan đến khủng hoảng Ukraine, khẳng định kế hoạch đặt vũ khí hạt nhân của Nga tại Belarus là "không thể chấp nhận".
Cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao G7 này là bước chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G7 có sự tham gia của các nhà lãnh đạo toàn cầu được tổ chức tại Hiroshima - Nhật Bản vào tháng sau.