A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đức đối mặt nguy cơ suy thoái kéo dài trước thềm bầu cử

Đức đối mặt năm suy thoái thứ ba liên tiếp trong bối cảnh nước này chuẩn bị bầu cử.

Đức đối mặt nguy cơ suy thoái kéo dài trước thềm bầu cử

Quốc hội Đức. Ảnh: deutschland.de

Sky News đưa tin, nền kinh tế lớn nhất EU đang trải qua giai đoạn trì trệ dài nhất kể từ Thế chiến thứ hai, khi những con số mới nhất cho thấy Đức tiếp tục rơi vào suy thoái năm thứ hai liên tiếp trong năm 2024. Dự báo tình hình năm 2025 cũng không mấy khả quan, bất kể ai sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới.

Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức, GDP của nước này giảm 0,2% trong năm 2024, sau khi đã giảm 0,3% trong năm 2023. Đây là giai đoạn suy thoái dài nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai.

Điều đáng nói là sự suy giảm này diễn ra trong bối cảnh hầu hết các chuyên gia kinh tế dự đoán Đức sẽ đạt tăng trưởng nhẹ vào cuối năm. Tuy nhiên, số liệu sơ bộ cho thấy kinh tế Đức đã bất ngờ sụt giảm trong quý IV năm 2024.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang phải đối mặt với áp lực lớn khi chỉ còn sáu tuần nữa là đến cuộc bầu cử quốc gia. Trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ, sự không hài lòng của cử tri sẽ là một thách thức đối với bất kỳ ứng viên nào.

Trong khi đó, Đức đang đứng trước nguy cơ chịu thêm áp lực từ Mỹ, khi Tổng thống Donald Trump chuẩn bị quay lại Nhà Trắng và áp dụng các biện pháp thuế quan mới. Theo Reuters, thặng dư thương mại của Đức với Mỹ đạt mức kỷ lục 65 tỉ euro trong 11 tháng đầu năm 2024, khiến Đức trở thành mục tiêu chính của các chính sách thương mại mới.

Bên cạnh đó, ngành sản xuất - trụ cột của nền kinh tế Đức - đang chịu thiệt hại nặng nề bởi giá năng lượng tăng cao kể từ khi xung đột Nga - Ukraina bùng phát, cùng với sự cạnh tranh khốc liệt từ các nhà sản xuất Trung Quốc. Ngành công nghiệp ô tô, với các tập đoàn lớn như Volkswagen, Mercedes-Benz và BMW, đang phải vật lộn để chuyển đổi sang sản xuất xe điện trong khi đối mặt với giá thành thấp từ các nhà sản xuất Trung Quốc như BYD.

Chi tiêu tiêu dùng tại Đức vẫn "đóng băng" khi người dân thắt chặt hầu bao do bất ổn kinh tế.

Một siêu thị ở Berlin, Đức. Ảnh: Xinhua

Một siêu thị ở Berlin, Đức. Ảnh: Xinhua

Nhiều đợt sa thải quy mô lớn đã khiến thị trường lao động rúng động. Chỉ riêng trong 10 tháng đầu năm 2024, hơn 60.000 lao động tại các tập đoàn lớn như Siemens, Bosch, Thyssenkrupp và Deutsche Bahn đã mất việc. Volkswagen thậm chí đang cân nhắc đóng cửa một nhà máy tại Đức - điều chưa từng có trong lịch sử 87 năm của hãng.

Dự báo kinh tế từ Ngân hàng Trung ương Đức Bundesbank cho rằng GDP năm 2025 sẽ tăng 0,2%. Tuy nhiên, mức tăng này sẽ không khác biệt đáng kể so với sự suy giảm nhẹ. Một số chuyên gia, như Jens-Oliver Niklasch từ LBBW Bank, bi quan hơn, cho rằng Đức sẽ tiếp tục rơi vào suy thoái năm thứ ba liên tiếp.

Dù vậy, vẫn còn một số tia hy vọng. Ngân hàng Trung ương châu Âu dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất mạnh tay trong năm nay, điều có thể hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời, tân Thủ tướng Đức, dự kiến là ông Friedrich Merz từ đảng CDU/CSU, có thể cân nhắc dỡ bỏ "phanh nợ" - vốn hạn chế chính phủ không được thâm hụt ngân sách quá 0,35% GDP/năm - để tăng chi tiêu quốc phòng theo yêu cầu từ Mỹ, đồng thời kích thích tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, tất cả những điều này, hiện tại chỉ là những điều có thể xảy ra chứ không phải những điều sẽ xảy ra. Trong khi đó, tình trạng suy thoái kinh tế có thể sẽ đẩy cử tri Đức đến với liên minh cực tả Sahra Wagenknecht hoặc đảng cực hữu AfD.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...