COVID-19: WHO công bố tin vui lớn nhưng châu Á thành "tâm dịch" mới
Số ca tử vong do COVID-19 giảm 90% so với 9 tháng trước, nhiều khu vực tiếp tục giảm mạnh số ca mắc lẫn tử vong trong tuần qua; tuy nhiên tín hiệu thận trọng đến từ châu Á với 2 khu vực tăng lại, trong đó khu vực có Việt Nam có số ca cao nhất thế giới.
Theo báo cáo dịch tễ mà Báo Người Lao Động nhận được từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sáng 10-11, tuần qua toàn cầu có hơn 2,13 triệu ca COVID-19 mới và 9.405 ca tử vong mới, giảm lần lượt 15% và 10% so với tuần lễ trước đó.
Số ca mắc và số ca tử vong do COVID-19 giảm rõ rệt ở 4 khu vực của WHO là châu Âu, châu Mỹ, Đông Địa Trung Hải và châu Phi, tuy nhiên hai khu vực Tây Thái Bình Dương và Đông Nam Á tăng lại, chủ yếu do làn sóng mới từ các quốc gia châu Á.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: WHO
Khu vực Tây Thái Bình Dương - tức khu vực mà WHO xếp Việt Nam vào - có 982.894 ca COVID-19 mới và 1.441 ca tử vong mới, tăng lần lượt 10% và 8% so với tuần trước và trở thành khu vực có số ca cao nhất thế giới sau nhiều tuần xếp sau châu Âu.
Theo sau là châu Âu với 716.902 ca mới, châu Mỹ với 372.000 ca mới. Ba khu vực còn lại là Đông Nam Á, Đông Địa Trung Hải và châu Phi báo cáo số ca không đáng kể, chỉ vài ngàn đến vài chục ngàn ca.
Gần một nửa số ca COVID-19 của Tây Thái Bình Dương đến từ Nhật Bản với 401.693 ca, tăng 42% so với tuần trước và là nước có số ca cao nhất thế giới. Theo sau là Hàn Quốc với 299.440 ca, tăng 24%, là nước có số ca cao thứ nhì thế giới), Trung Quốc với 219.102 ca, giảm 15%. Malaysia và Mông Cổ cũng được "điểm danh" dù số ca tương đối nhỏ nhưng có mức tăng lớn so với tuần qua (60% và 69%).
Trên cả bản đồ tỉ lệ số ca mắc lẫn bản đồ tỉ lệ tử vong, Việt Nam vẫn được tô màu vàng nhạt nhất và màu xanh lá cây nhạt nhất, biểu trưng cho tỉ lệ rất thấp là dưới 10 ca mắc/100.000 dân và dưới 0,5 ca tử vong/100.000 dân.
Tại khu vực có chứa một số nước châu Á khác theo phân chia của WHO là Đông Nam Á (bao gồm cả một số nước Nam Á, khác với Đông Nam Á địa lý), ba nước có số cao nhất được "điểm danh" là Indonesia (30.670 ca, tăng 56%), Ấn Độ (8.313 ca, giảm 13%) và Thái Lan (2.759 ca, tăng 8%).
WHO cũng khuyến cáo các nước thành viên thận trọng với một số dòng hậu duệ của Omicron là BQ.1 (BA.5.3.1.1.1.1) và các BA.5 có bổ sung đột biến R346X, trong đó BQ.1 có sự gia tăng rõ rệt từ 9,4% lên 13,5% trên tổng số các trình tự gien SARS-CoV-2 được các nước giải mã và tổng hợp về cơ sở dữ liệu chung GISAID.
Hơn 9.400 ca tử vong: Giảm mạnh nhưng vẫn là quá nhiều
Phát biểu tại buổi họp báo trực tuyến toàn cầu tối 10-11, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết con số tử vong do COVID-19 tuần qua là mức giảm tới 90% so với tuần lễ đỉnh điểm hồi tháng 2 năm nay.
Tuy nhiên ông vẫn thận trọng: "Chúng tôi đãđi được một chặng đường dài, và đây chắc chắn là lý do khiến chúng tôi lạc quan. Nhưng chúng tôi tiếp tục kêu gọi tất cả các chính phủ, cộng đồng và cá nhân luôn cảnh giác. Gần 10.000 ca tử vong mỗi tuần là quá nhiều đối với một căn bệnh có thể được ngăn ngừa và điều trị".
Tiến sĩ Tedros tiếp tục kêu gọi tăng cường xét nghiệm, giải trình tự gien để giám sát cũng như thu hẹp khoảng cách tiêm chủng toàn cầu trong bối cảnh virus gây bệnh COVID-19 vẫn không ngừng biến đổi và tạo ra các biến chủng mới.