Ấn Độ trước lợi thế và thách thức từ dân số
Ấn Độ được dự báo sắp vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào giữa năm 2023.
Theo "Báo cáo tình hình dân số thế giới năm 2023" được Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) công bố hôm 19-4, Ấn Độ sẽ có 1 tỉ 428,6 triệu người vào giữa năm nay, so với 1 tỉ 425,7 triệu người của Trung Quốc. Mỹ đứng vị trí thứ 3 với khoảng 340 triệu người.
Báo cáo nêu trên cũng cho biết Ấn Độ không chỉ đông dân mà còn là một trong những quốc gia có dân số trẻ nhất. Những thay đổi về nhân khẩu học đặt ra thách thức lớn về kinh tế và xã hội mà quốc gia châu Á này phải tìm cách thích nghi.
Hành khách tại một nhà ga xe lửa ở ngoại ô TP Mumbai - Ấn Độ Ảnh: REUTERS
Theo Bloomberg, hơn 1/2 dân số Ấn Độ ở độ tuổi dưới 30. Với hơn 2/3 dân số trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 64 tuổi), Ấn Độ có thể vừa sản xuất vừa tiêu thụ nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bắt kịp những thay đổi công nghệ.
Dù vậy, Ấn Độ cũng đối mặt không ít thách thức từ dân số đông, trong đó có việc bảo đảm an ninh lương thực, cung cấp dịch vụ y tế và giáo dục tốt hơn, xây dựng cơ sở hạ tầng và cải thiện môi trường sống ở các ngôi làng và thị trấn.
Về chính trị, việc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới có thể giúp Ấn Độ củng cố mong muốn có ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Nước này hiện sử dụng sức mạnh thị trường ngày càng tăng của mình để thúc đẩy vị thế địa chính trị, như xây dựng quan hệ chặt chẽ với Mỹ, Nhật Bản và Úc trong nhóm "Bộ tứ".