Thép SMC lỗ gần 550 tỷ đồng sau 9 tháng, nợ xấu 1,300 tỷ đồng
Dường như khi ngành “anh em” bất động sản lâm nạn, CTCP Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC) cũng chưa thể “nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm”.
Trong quý 3/2023, thép SMC ghi nhận doanh thu thuần hơn 3,140 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ. Công ty tiếp tục lỗ ròng 164 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 188 tỷ.
Kết quả kinh doanh quý 3/2023 của SMC
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance |
Việc làm ăn của SMC đã đi xuống từ 6 tháng cuối năm 2022 khi cuộc khủng hoảng bất động sản bắt đầu nổi lên, cùng với đó là sự giảm tốc của cả nền kinh tế.
Với một doanh nghiệp có tỷ trọng thương mại thép xây dựng cao như SMC (khoảng 40%), tình trạng công trình đứng và công nợ chồng chất chưa thu hồi được đã giáng đòn nặng nề vào hoạt động kinh doanh. Hơn nữa, nhu cầu chung của nền kinh tế cũng chững lại khi thu nhập người dân giảm sút. Hai mảng còn lại là sản xuất thép và gia công cũng không quá khả quan.
Bên cạnh sự đi xuống của các mảng kinh doanh cốt lõi, hoạt động tài chính của doanh nghiệp cũng không thuận lợi. Doanh thu tài chính giảm 32% xuống 25 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính duy trì ở mức 86 tỷ đồng.
Điểm sáng hiếm hoi của SMC trong quý 3/2023 nằm ở việc tiết giảm chi phí, trong kỳ chi phí bán hàng giảm 54% và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 12%. Nhưng nhiêu đó là chưa đủ để giúp doanh nghiệp thoát cảnh thua lỗ.
Nợ xấu 1,300 tỷ đồng
Không những kinh doanh gặp khó, tình trạng thu hồi công nợ của SMC cũng bế tắc khi những doanh nghiệp bất động sản chưa có nhiều nguồn thu.
Cuối tháng 9/2023, SMC có hơn 1,300 tỷ đồng nợ xấu, trong đó 98% là nợ ngắn hạn. Phần lớn đến từ các công ty bất động sản có liên quan tới Novaland và Hưng Thịnh.
BCTC quý 3/2023 của SMC |
Trong quý 2/2023, SMC đã phải trích lập dự phòng nợ xấu 180 tỷ đồng và cũng lưu ý rằng nếu sau một khoảng thời gian nữa chưa thu hồi được, doanh nghiệp có thể phải tiếp tục trích lập theo tỷ lệ quy định.
Lỗ ròng 550 tỷ đồng sau 9 tháng
Lũy kế 9 tháng đầu năm, SMC ghi nhận doanh thu thuần gần 10.6 ngàn tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ. Công ty lỗ ròng 550 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 58 tỷ đồng.
Còn nếu tính trong 5 quý vừa qua, SMC đã lỗ lũy kế hơn 1,200 tỷ đồng, cùng với đó là khoản nợ xấu 1,300 tỷ đồng chưa biết đến bao giờ mới thu hồi được.
Kết quả kinh doanh của SMC | ||
Đây thực sự là một tình thế vô cùng đáng ngại với một doanh nghiệp hoạt động trong ngành cần xoay tiền nhanh và có vốn chủ sở hữu chưa quá lớn như SMC (ở mức 1,137 tỷ đồng vào cuối tháng 9).
Trong bối cảnh đó, ngày 18/10, HĐQT SMC thống nhất thông qua chủ trương thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, nhân sự trong hệ thống Công ty, tiết giảm tất cả các chi phí phát sinh. Cuối quý 3, tổng người lao động 1,055 người, giảm từ mức 1,202 người tại cuối năm 2022.
Bấp bênh tài chính
Bảng cân đối kế toán của SMC cũng cho thấy sự bấp bênh về tài chính.
Cuối quý 3/2023, doanh nghiệp thương mại thép này sở hữu gần 4.6 ngàn tỷ đồng tài sản ngắn hạn, giảm hơn 1.5 ngàn tỷ so với đầu năm. Trong đó tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn ở mức 900 tỷ đồng, giảm gần 600 tỷ so với đầu năm.
Khoản phải thu ngắn hạn ở mức hơn 2 ngàn tỷ đồng (bao gồm gần 1,300 tỷ đồng nợ xấu), thấp hơn nhiều so với mức hơn 2.9 ngàn tỷ đồng hồi đầu năm. Điều này cũng phản ánh một phần thông điệp của người đứng đầu SMC trước đó rằng doanh nghiệp sẽ tập trung vào các doanh nghiệp có thể thu tiền nhanh.
Hàng tồn kho ở mức gần 1.3 ngàn tỷ đồng, giảm hơn 300 tỷ đồng so với đầu năm.
Ở phía đối ứng, nợ ngắn hạn ở mức 5 ngàn tỷ đồng tại cuối tháng 9/2023, giảm gần 1 ngàn tỷ so với đầu năm, chủ yếu do cắt giảm vay và nợ thuê tài chính xuống mức 2.1 ngàn tỷ.