Góc nhìn chuyên gia: Vingroup huy động 250 triệu USD trái phiếu với lãi suất 9,5-10%/năm tạo tác động thế nào đến các DN "họ Vin"?
Việc Vingroup phát hành trái phiếu với lãi suất 10% bằng USD không phải quá cao trong thời điểm này - Chuyên gia Yuanta nói.
Theo ông Thế Minh, việc VIC, VHM hay VRE bị bán mạnh trong phiên 26/10 có liên quan đến việc tập đoàn Vingroup vừa phát hành hơn 250 triệu USD trái phiếu. Việc phát hành trái phiếu này có liên quan đến kỹ thuật "hedging" của các nhà đầu tư. Một số nhà đầu tư đã bán cổ phiếu của ba công ty này, đặc biệt là VHM để tham gia đợt phát hành trái phiếu của Vingroup.
"Việc bán cổ phiếu VHM có thể một giao dịch chủ động đến từ các nhà đầu tư khi khối lượng đặt bán đã lớn ngay từ đầu phiên. Càng về cuối phiên thì áp lực bán càng tăng thêm do có thể các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước cũng đã đặt bán theo đà. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ nguyên nhân chính vẫn là việc hedging của các nhà đầu tư tham gia vào thị trường trái phiếu", ông Thế Minh nói.
Lãi suất huy động 10%/năm bằng đồng USD là cao hay thấp?
Có ý kiến nhận xét, việc Vingroup huy động trái phiếu với lãi suất 9,5%- 10%/năm bằng đồng USD là mức cao. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Minh lại không nghĩ như vậy. Việc Vingroup phát hành trái phiếu quốc tế ở hiện tại được đặt trong bối cảnh FED đang có lãi suất cơ bản rất cao, ở mức khoảng 5,5%. Bên cạnh đó tỷ giá VND/USD từ đầu năm tới nay cũng đã tăng gần 3,5%.
"Mức lợi suất trái phiếu quốc tế thông thường sẽ phải cộng mức lãi suất cơ sở của FED và mức biến động tỷ giá VND/USD. Với Vingroup ở hiện tại thì cộng 2 yếu tố này thì lợi suất trái phiếu của tập đoàn này ít nhất cũng đã khoảng 9%. Như vậy việc phát hành trái phiếu với lãi suất 10% bằng USD không phải quá cao trong thời điểm này", ông Thế Minh giải thích.
Ông Minh cũng chia sẻ thêm trong giai đoạn 2020 - 2021 nếu nhiều người nhìn thấy trong thời gian trước một số doanh nghiệp Việt Nam phát hành trái phiếu quốc tế với lãi suất chỉ 3% hay 4% thì lúc đó lãi suất cơ bản của FED rất thấp, chỉ 0,25% - 0,5%. Ngoài ra, cộng thêm biến động tỷ giá ở mức 1%-2% nếu có nên không thể so sánh câu chuyện của Vingroup ở hiện tại với thời điểm đó.
Tiềm năng của ngắn và dài hạn của VIC, VHM và VRE
Chia sẻ thêm về tiềm năng của các cổ phiếu "họ Vin", ông Nguyễn Thế Minh cho biết cổ phiếu VHM hiện đã trả qua một thời gian giảm về gần vùng đáy. Về ngắn hạn có thể cổ phiếu này có thể tiếp tục có thể chịu áp lực bán. Tuy nhiên có thể có xảy ra việc bắt đáy trong thời gian tới vì VHM đã có sự chiết khấu trong thời gian qua. Áp lực bán có thể vẫn có nhưng sẽ sớm kết thúc.
"Mọi người nên nhìn vào mặt tích cực của việc Vingroup có thể huy động 250 triệu USD trái phiếu. Đầu năm sau những công ty trong hệ sinh thái Vingroup, gồm cả VinFast, Vinhomes hay Vincom Retail sẽ có nhiều lô trái phiếu đến ngày đáo hạn khá nhiều. Số tiền 250 triệu USD này có thể là dòng tiền để giải quyết những khó khăn của nhóm các công ty này trong đầu 2024", ông Thế Minh nhận định.
Vị chuyên gia này còn cho biết thêm trong bối cảnh hiện nay có rất ít các doanh nghiệp bất động sản có thể huy động được trái phiếu, khó vay ngân hàng vì đang gặp khủng hoảng trên diện rộng, thanh khoản kém. Vingroup có thể phát hành được trái phiếu thể hiện tập đoàn này vẫn được các tổ chức quốc tế xếp hạng tín nhiệm cao.
Về tiềm năng của công ty "họ Vin", ông Minh cho rằng trong trong ngắn hạn, tiềm năng tăng trưởng của cả Vingroup, Vinhomes hay Vincom Retail sẽ phải dựa vào thanh khoản của thị trường bất động sản. Nếu Luật đất đai sửa đổi có thể sẽ sớm được ban hành thì có thể sẽ khơi thông dòng vốn của ngành bất động sản, khiến thị trường này sôi động trở lại. Tuy nhiên việc này có thể sẽ phải đến giữa năm 2024 mới xảy ra nên trong nửa cuối năm sau Vingroup, Vinhomes và Vincom Retail có thể sẽ hưởng lợi lớn từ điều này.
Còn về tiềm năng dài hạn của Vingroup sẽ phải dựa vào kết quả kinh doanh của VinFast. Hiện tại, tất cả nguồn lực của Vingroup đều đã được dồn cho VinFast vì công ty này mới trong giai đoạn bắt đầu đầu tư để mở rộng thị trường, xây dựng nhà máy và tiến ra nước ngoài.