Tâm tư của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Nhà máy Tesla Trung Quốc chỉ mất 11 tháng đưa vào hoạt động, một TTTM cỡ AEON mất 68 ngày, làm sao cải cách, gỡ khó cho doanh nghiệp?
"Tôi vừa đi Trung Quốc về. Một nhà máy ô tô Tesla hàng tỷ USD từ khởi công đến khánh thành đưa vào hoạt động chỉ 11 tháng, một TTTM cỡ AEON mất 68 ngày, một KĐT ở UAE 20 tỷ USD, 600 ha, 500 tòa nhà cao tầng làm trong đúng 5 năm. Hàng nghìn ví dụ kiểu như vậy, nếu chúng ta không thay đổi thì hiệu quả ở đâu, cạnh tranh ở đâu?", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trăn trở.
Cuộc gặp gỡ của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng với báo giới diễn ra ít ngày trước khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm.
Đang khảo sát hiện tượng đóng cửa hàng, cửa hiệu, văn phòng
"Doanh nghiệp hiện nay rất khó khăn", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
"Tôi đang đề nghị Tổng cục Thống kê làm khảo sát ngay trong tháng 6 để đánh giá hiện tượng đóng cửa hàng, đóng văn phòng thế nào, tình hình tại các trung tâm kinh tế lớn của chúng ta ra sao… Chúng ta phải thấy hơi thở của nền kinh tế. Ra đường thấy cửa hiệu, văn phòng đóng thì rất nguy hiểm".
Số liệu từ Tổng cục Thống kê 5 tháng đầu năm 2024 cho thấy, cả nước có 98,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 97,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Tức, bình quân một tháng có 19,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Nhìn rộng ra vĩ mô, Việt Nam là một nền kinh tế chuyển đổi, mở cửa hội nhập. Trong khi các nước có nền kinh tế thị trường hàng trăm năm, luật pháp và thể chế đã rõ, "ta vừa làm vừa điều chỉnh, vừa chạy vừa xếp hàng, vừa làm vừa hoàn thiện"…
Giải pháp lớn nhất hiện nay, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, là cải cách. Và phải cải cách mạnh hơn nữa.
Bộ trưởng Dũng cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên tục yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải rà soát hết hệ thống văn bản của mình, gương mẫu đi trước.
"Nào là Luật Đầu tư công có vấn đề gì, Luật Đấu thầu mắc ở chỗ nào… Tất cả phải xem lại, rà lại, sửa đổi theo khuynh hướng mạnh mẽ hơn, tích cực hơn, thì mới theo kịp được", Bộ trưởng nói.
Ngay câu chuyện về cải cách thủ tục hành chính, Bộ trưởng cho rằng cần phải xem lại câu chuyện cải cách có thực chất không? Các địa phương làm được đến đâu? Có chuyển biến không? Từ từng này thủ tục giờ còn bao nhiêu? Từ từng này thời gian còn lại bao nhiêu?
"Phải đong, đo, đếm được thì mới tính được hiệu quả. Còn cứ làm xong rồi không đo, đếm được thì chẳng có ý nghĩa. Điều tôi rất tâm tư và trăn trở là cải cách thủ tục hành chính phải mạnh hơn nữa, và không chỉ một Bộ, mà cả hệ thống chính trị", Bộ trưởng Dũng nói. Ông cho biết đã đề xuất thành lập Ban chỉ đạo cải cách nhà nước, và do chính Thủ tướng làm trưởng ban.
"Phải đổi mới, cải cách mạnh mẽ hơn nữa, thực chất hơn nữa. Phải nhìn vào gốc rễ của từng vấn đề thì mới khơi thông được các điểm nghẽn, từ đó giải phóng nguồn lực… Mỗi thứ tắc một tí sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư. Tư nhân không biết làm gì, đổ xô đi mua vàng", Bộ trưởng nói thêm.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận trong cái ngắn hạn phải nghĩ đến cái dài hạn, và chúng ta phải giải quyết được những thách thức ngay trước mắt nhưng phải lồng vào tầm nhìn dài hạn.
Ví như hiện tại, chúng ta đang bị tắc nghẽn nhiều dự án về đất đai, pháp lý, xử lý thanh tra, kiểm tra. Ở mỗi thành phố lớn, mỗi tỉnh có hàng trăm dự án lớn chưa giải quyết được, có thể tồn đọng hàng chục năm nay. Bộ trưởng nhận định nếu tháo gỡ được, sẽ khơi thông được nguồn lực rất lớn cho xã hội.
Ông Dũng đề xuất 3 vấn đề.
Một là, phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Hai là, phải tháo gỡ cho các dự án kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực bất động sản.
Ba là, nhiều địa phương đã được rà soát các dự án để tháo gỡ, đề xuất mở rộng ra cho các địa phương khác, nhằm tháo gỡ được nguồn lực đang rất lớn tồn đọng.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Dũng đề xuất nên sơ kết tình hình các địa phương có cơ chế chính sách đặc thù, đồng thời kiến nghị mở rộng cơ chế chính sách đặc thù cho các địa phương khác.
"Những tư duy rất cụ thể như thế sẽ giải phóng được nguồn lực rất lớn đưa vào nền kinh tế, giải quyết được vấn đề khó khăn trước mắt và cả lâu dài", Bộ trưởng nói.
Cuộc chơi với FDI: Làm thế nào để học sinh lớp 1 'chơi được' với các anh đại học?
Đề cập đến sự kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, Bộ trưởng Dũng cho biết tình trạng khó khăn khiến doanh nghiệp trong nước không đủ sức để lớn, chưa nói đến chuyện tham gia vào chuỗi giá trị hay ">
Vậy làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam đủ level chơi với khối FDI?
Bộ trưởng chia sẻ, đây là câu chuyện "con gà – quả trứng". Một mặt, doanh nghiệp Việt không dám đầu tư tiền tỷ để sản xuất, khi đầu ra còn bỏ ngỏ. Một mặt, doanh nghiệp nước ngoài nhìn nhận doanh nghiệp trong nước "chưa đủ tiêu chuẩn", như "cấp đại học chơi cùng em lớp 1, lớp 2".
"Với vai trò ở giữa, Nhà nước phải nhìn bản chất ở đây là gì? Bản chất là chúng ta không nắm được công nghệ, bí quyết, sau đó mới bắt đầu nói tới vốn liếng và cuộc chơi", Bộ trưởng Dũng nói.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Doanh nghiệp FDI có sân chơi riêng. Trong đó, vòng 1 là vài anh chơi tạo thành một hội, ví như cao su thì lấy của anh X, nhựa của anh Y… vốn đã phân chia rõ ràng, doanh nghiệp Việt không thể vào được.
Mở rộng đến vòng 2, chơi thành hội thành bè, hay đến cả vòng 3 – vòng đại trà, doanh nghiệp Việt cũng không thể cạnh tranh được với doanh nghiệp Trung Quốc vốn sản phẩm đầu ra thuộc hàng "ngon – bổ - rẻ".
Trong khi đó, câu chuyện để doanh nghiệp trong nước "chơi được" với doanh nghiệp FDI không chỉ dừng lại ở hô hào khẩu hiệu để doanh nghiệp FDI phải kết nối. "Vấn đề là làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam lớn lên, chứ không phải làm thế nào để doanh nghiệp FDI bé hay yếu đi", Bộ trưởng Dũng nói.
Một trong những chính sách Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai là hỗ trợ những cán bộ kỹ thuật người Việt đang làm, từng làm ở các doanh nghiệp FDI – người nắm các quy trình công nghệ, quy trình sản xuất - lập nghiệp, khởi nghiệp.
"Chính các bạn ấy là người nhanh nhất có được công nghệ, có được quan hệ, nhanh nhất có thể tham gia được vào chuỗi giá trị. Một việc như thế Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai và làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp", Bộ trưởng nói.
Một chính sách hỗ trợ khác Bộ trưởng nhắc tới là hợp tác, mua lại các bí quyết công nghệ, bằng sáng chế với các doanh nghiệp nước ngoài.
"Thế giới đang biến động rất khó lường và phức tạp, thách thức rất nhiều, nhưng lại xuất hiện nhiều cơ hội. Chúng tôi hay nói đùa, theo quy luật tự nhiên, khó khăn người này là thuận lợi của người kia, thách thức của người này là cơ hội của người khác".
"Ai là người phát hiện, nhận diện ra được các thách thức, các cơ hội đó? Ai nắm được cơ hội, ai vượt qua được thách thức thì người đó thành công", Bộ trưởng nói.