Sao Ta đặt mục tiêu lãi kỷ lục năm 2023 dù lo ngại tôm giá rẻ Ecuador
CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, dự kiến tổ chức ngày 07/04 tại tỉnh Sóc Trăng. Công ty dự kiến trình cổ đông thông qua các chỉ tiêu kinh doanh 2023 cũng như phương án phân phối lợi nhuận 2022…
Năm 2023, Sao Ta xác định các khó khăn về lạm phát, về sự tăng trưởng tôm các nước đối thủ còn kéo dài tác động, do đó Công ty sẽ tập trung vào việc cải thiện giá thành sản phẩm thông qua nỗ lực xem xét các chi phí, định mức.
Ngoài ra, thông qua nỗ lực cơ giới hoá, tự động hoá một số khâu trong dây chuyền chế biến mà thực tế cho phép; sắp xếp tinh giản bộ máy và hợp lý hoá dây chuyển chế biến và nhất là khâu đẩy mạnh nuôi tôm.
Cụ thể, Sao Ta dự kiến thi công vùng nuôi mới 203 ha và nỗ lực hoàn thiện toàn bộ trong quý 2/2023. Sau đó, Công ty sẽ thả nuôi toàn bộ 240 ao làm xong, nâng tổng số lên hơn 600 ao nuôi.
Song song, tìm hiểu thuê thêm đất bên ngoài, và sang nhượng đất từ các hộ dân chung quanh vùng nuôi. Việc thả nuôi tôm theo mô hình cuốn chiếu nhằm tránh tình trạng ứ đọng công việc và thu hoạch sản phẩm.
Nhận định về thị trường, FMC cho rằng trong bối cảnh còn đầy khó khăn vì lạm phát và chi phí logistic, nhất là tôm giá rẻ Ecuador có thuận lợi là gần Hoa Kỳ, chi phí vận chuyển thấp, Công ty sẽ duy trì thị trường này nhưng tiếp tục tập trung phát huy thế mạnh thông qua tập trung vào Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và từng bước mở rộng thị trường EU.
Về xây dựng cơ bản, Công ty dự kiến đưa Nhà máy thủy sản Sao Ta hoạt động ngay đầu năm và tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất nhà máy Nam An thông qua bổ sung kho lạnh khoảng 3,000 tấn.
Về cơ sở vật chất, về lâu dài có thể chuyển nhượng kho lạnh 6,000 tấn đang có cho KAF, qua đó hỗ trợ KAF hoàn thiện tổng thể cơ sở sản xuất. Bù lại, FMC có kho 3,000 tấn tại nhà máy mới Sao Ta và kho 3,000 tấn tại nhà máy Nam An.
Với định hướng trên, năm 2023, FMC dự kiến đạt sản lượng tôm chế biến 22,000 tấn, tăng 7% và sản lượng nông sản chế biến đạt 2,000 tấn, tăng nhẹ 1% so với năm trước.
Cuối cùng, Công ty đặt mục tiêu đem về 5,900 tỷ đồng tổng doanh thu và 400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất trong năm 2023, tăng 22% so với thực hiện trong năm 2022.
Kết quả kinh doanh các năm và kế hoạch 2023 của FMC (Đvt: Tỷ đồng) Nguồn: VietstockFinance |
Trở lại với tình hình sản xuất kinh doanh trong năm 2022, Sao Ta đánh giá 2022 là năm đầy khó khăn về nuôi tôm, giá tôm, chi phí logistic lẫn thị trường tiêu thụ nhưng Công ty đã vượt qua một cách khá mạnh mẽ, thể hiện ở hiệu quả hoạt động.
Cụ thể, sản lượng tôm thành phẩm chế biến trong năm đạt 20,578 tấn, giảm 11% nhưng sản lượng tôm tiêu thụ 18,054 tấn, tăng nhẹ 1% so với năm trước. Sản lượng nông sản thành phẩm đạt 1,981 tấn, tăng gần 78% và nông sản tiêu thụ 1,801 tấn, tăng hơn 13%.
Kết quả, FMC đạt doanh số tiêu thụ 226.2 triệu USD trong năm 2022, tăng hơn 9% so với năm trước và thực hiện 98% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế 328 tỷ đồng, tăng gần 14% và vượt gần 3% kế hoạch năm. Lưu ý rằng, kết quả này đã hợp nhất công ty thành viên KAF.
Công ty cho biết, từ giữa năm, KAF đã có nhiều lô hàng nông sản phối chế tôm, những lô tôm chế biến sâu xuất qua Hoa Kỳ. Dự kiến từ đầu năm 2023 có những lô hàng tương tự xuất qua Cananda. Nhìn chung, việc thử nghiệm ban đầu còn trong tiến trình.
Năm 2023 chia cổ tức tối thiểu 20%
Về phương án chia cổ tức năm 2022, FMC sẽ trình cổ đông kế hoạch cổ tức 20%, tương đương 2,000 đồng/cp và dự kiến thực hiện ngay sau khi có Nghị quyết của Đại hội thông qua.
Năm 2023, mức chi cổ tức bằng tiền mặt dự kiến tối thiếu 20%. Ủy quyền cho HĐQT xem xét cho ứng trước số cổ tức ở từng thời điểm phù hợp.