A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều startup đình đám "chết yểu", vì sao?

Sử dụng vốn không thỏa đáng, quản trị không hiệu quả, không theo kịp nhu cầu thị trường... khiến nhiều startup dù được bơm vốn hàng chục triệu đô vẫn không thể tồn tạ

Propzy - công ty khởi nghiệp đình đám trong lĩnh vực công nghệ bất động sản (Proptech) - tuyên bố dừng hoạt động tại Việt Nam mới đây khiến nhiều người trong giới tiếc nuối. Ai theo dõi Propzy đều biết công ty này từng là "ngôi sao sáng", huy động được 30 triệu USD trong 3 vòng gọi vốn, trong đó có 25 triệu USD đến từ 2 quỹ đầu tư lớn là Gaw Capital và SoftBank Ventures Asia.

Những cái "chết non"

Thành lập năm 2015 bởi Việt kiều Mỹ John Lê, Propzy được xem là công ty đầu tiên tại Việt Nam áp dụng công nghệ hiện đại, cung cấp giải pháp thực hiện giao dịch nhà đất theo quy trình khép kín, giúp kết nối trực tiếp khách hàng là bên mua và bên bán với nhau. Sau 7 năm hoạt động, Propzy đã vươn lên thành nền tảng giao dịch bất động sản ngoại tuyến và trực tuyến lớn nhất tại Việt Nam.

Tuy nhiên, gần đây, Propzy liên tục có những động thái thu nhỏ hoạt động. Không chính thức công bố lý do nhưng qua các kênh truyền thông, Propzy cho biết về việc cắt giảm nhân sự từ ngày 12-9. Trong khi đó, 1 năm trước, Prozy đã bắt đầu cắt giảm đến 50% nhân sự đồng thời giải thể Công ty Dịch vụ Propzy, đóng cửa các trung tâm giao dịch. Đến nay, CEO John Lê vẫn phủ nhận đóng cửa, cho rằng việc thay đổi là nhằm phù hợp chiến lược kinh doanh mới.

Nhiều startup đình đám chết yểu, vì sao? - Ảnh 1.

Nền tảng công nghệ bất động sản Houze Group đang triển khai khá thành công tại Việt Nam. Ảnh: SƠN NHUNG

Theo dữ liệu nghiên cứu của CB Insights - nền tảng phân tích kinh doanh và cơ sở dữ liệu toàn cầu - tỉ lệ startup công nghệ thất bại ngay từ trong trứng nước dao động trong khoảng 75%-90%. Có đến 70% công ty công nghệ mới nổi toàn cầu thất bại, thường là chỉ 20 tháng sau khi huy động vốn đầu tiên (với tổng số tiền tài trợ trung bình khoảng 1,3 triệu USD). Từ nghiên cứu này, nhìn lại thị trường Việt Nam, việc các startup công nghệ "chết yểu" là bình thường.

Trước Propzy, một startup công nghệ khá nổi tiếng là WeFit cũng đã phải dừng hoạt động vì cạn vốn. Ra đời giữa năm 2016 bởi Founder Khôi Nguyễn, WeFit là ứng dụng kết nối các phòng tập gym, yoga, boxing, zumba… với khách hàng nhằm mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người sử dụng.

WeFit cho phép người dùng đi tập tại bất cứ phòng tập nào mà không có giới hạn trong hệ thống. Người dùng chỉ cần thanh toán một lần cho tất cả phòng tập trong hệ thống. Tuy nhiên, những biến động về dòng tiền, việc "vung tay quá trán" số tiền nhận được từ các nhà đầu tư, những lỗ hổng trong chính sách quản lý cộng với khó khăn do 2 năm đại dịch COVID-19 khiến WeFit không thể tồn tại.

Bài học kinh nghiệm

Có nhiều nguyên nhân khiến một startup thất bại. Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư Thiên thần Đông Nam Á, từng cho rằng trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động, sự hoài nghi của nhà đầu tư càng khiến các startup khó khăn thêm. Những công ty nào không biết cách vượt qua những thách thức ở thời điểm hiện tại thì có thể sẽ thất bại.

Một số chuyên gia chỉ ra rằng yếu tố quan trọng quyết định thành bại của startup là khả năng quản trị, bao gồm quản trị nguồn tiền, nhân sự… Nếu quản trị không hiệu quả, doanh nghiệp (DN) rất dễ rơi vào tình trạng "có tiếng, không có miếng". Ngoài ra, DN sẽ khó có thể duy trì hoạt động nếu mất đi lợi thế cạnh tranh hoặc không biết tận dụng, phát triển những lợi thế đó; không kịp nhận ra và học hỏi từ những sai lầm đang mắc phải. Cuối cùng, nếu các startup không huy động kịp thời số vốn trước khi đạt quy mô thị trường ở điểm hòa vốn sẽ khó thành công.

Trở lại với Propzy, đại diện công ty này cho rằng những nỗ lực phát triển kinh doanh đã phát sinh những tổn thất đáng kể. Đặc biệt, chuyện khó khăn do đại dịch COVID-19 kéo dài, năng lực tài chính có hạn và môi trường toàn cầu còn khá rối ren là những lý do lớn khiến Propzy "chết yểu".

Trước đó, trong giai đoạn mới startup, Propzy "ngốn" khá nhiều tiền. Đến cuối năm 2017, Propzy đã dùng hết 1 triệu USD của Fourder John Lê và 2 triệu USD của một quỹ đầu tư công nghệ từ Malaysia… Thời điểm ấy, Propzy đang nổi tiếng với giá trị tài sản lên hơn 600 triệu USD. Đến nửa năm 2020, Propzy gọi vốn thành công 25 triệu USD đồng thời được nhiều quỹ đầu tư theo dõi, hậu thuẫn… Tính chung, trong suốt quá trình đầu tư, Propzy đã kêu gọi thành công đến 30 triệu USD. Tiếc là Propzy đã không thể "làm nên chuyện" từ số tiền đầu tư đáng mơ ước của giới Proptech Việt Nam.

Nhà sáng lập một dự án về công nghệ vừa nhận đầu tư từ một DN Singapore cho rằng một trong những yếu tố quyết định sự thành công của startup công nghệ là cách mà họ tiếp cận và giải quyết các vấn đề của thị trường, tìm ra những mô hình kinh doanh phù hợp với kế hoạch và tầm nhìn của mình. Việc tạo ra một mô hình kinh doanh hiệu quả, tinh gọn và thực thi là không dễ. "Người Việt chuộng dùng miễn phí, nhiều người lại hay đối phó, lách luật, dùng chung một tài khoản, dịch vụ... Nếu không có giải pháp từ ban đầu thì rất dễ dẫn đến các rủi ro cho DN" - startup này nhận định.

Ông Nguyễn Hưng, Giám đốc R&D của Vietnix Hosting, cho rằng hầu hết startup công nghệ cần một số yếu tố để thành công, trong đó cơ bản là nền tảng công nghệ, nhân sự, vốn… "Điều quan trọng nữa đối với startup công nghệ là tốc độ lấy được thị trường của công nghệ đó, bởi công nghệ có chu kỳ. Ví dụ, thời gian qua, công nghệ blockchain thịnh hành, một số startup kịp thời nắm bắt nên thành công. Nếu không đủ nhanh, chưa kịp thành công mà công nghệ lỗi thời thì mọi thứ trở về số 0" - ông Hưng nhìn nhận. 

Phải bám sát nhu cầu người dùng

Ông Phạm Lâm, người sáng lập và điều hành Houze Group, cho rằng câu chuyện của Propzy là bài học kinh nghiệp cho Houze Group. Houze Group cũng hoạt động theo mô hình hệ sinh thái dịch vụ công nghệ bất động sản dành cho môi giới và khách hàng, vừa nhận 2 triệu USD từ 2 nhà đầu tư thiên thần. Hiện Houze Group có hơn 57.000 người dùng, trong đó 47.000 là cư dân ở các tòa nhà chung cư và hơn 10.000 là môi giới bất động sản.

"Những gì Houze Group định hướng và triển khai trong thời gian qua đều sát thực tế người dùng, tích hợp các tiện ích cho khách hàng liên quan đến thanh toán, giao dịch bất động sản một cách thuận lợi nhất. Chúng tôi hiểu rằng khi startup công nghệ thì nền tảng công nghệ phù hợp là điều kiện tiên quyết. Công nghệ phải được xây dựng, phát triển dựa trên sự am hiểu hành vi của người tiêu dùng, bám sát thực tiễn nhu cầu của người dùng, từ đó nhân rộng, nâng cấp, hoàn thiện dần" - ông Lâm bày tỏ.


Tác giả: Sơn Nhung - Phương An
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...