A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành thép Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn

Trước làn sóng thép cán nóng nhập khẩu chưa từng có từ Trung Quốc và Ấn Độ, vượt xa sản lượng sản xuất trong nước, ngành thép Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn. Thị phần tiêu thụ thép cán nóng nhập khẩu chiếm đến 70% tổng tiêu thụ năm 2023, trong khi "miếng bánh" của doanh nghiệp sản xuất trong nước ngày càng teo tóp lại.

Báo động đỏ thép cán nóng nhập khẩu áp đảo thị phần tiêu thụ

Trong năm 2022, thị trường thép tại Thái Lan và Indonesia thể hiện xu hướng hạn chế nhập khẩu, giữ cho tỷ lệ nhập khẩu không vượt quá một mức nhất định, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ sản xuất trong nước, dù công suất thép cán nóng tại 2 quốc gia này chỉ 2-3 triệu tấn/năm.

Tại Thái Lan, trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2022, tỷ lệ nhập khẩu thép cán nóng được kiểm soát chặt chẽ ở mức 50-58% so với tổng tiêu thụ nội địa. Tương tự, Indonesia cũng thể hiện sự kiểm soát và tự chủ trong ngành thép khi khống chế tỷ lệ nhập khẩu so với tiêu thụ nội địa chỉ ở mức 35% lên 37% trong cùng giai đoạn.

Trái ngược với hai quốc gia này, trong năm 2023 và đầu năm 2024, thị trường thép Việt Nam chứng kiến sự tổn thương đáng kể do lượng nhập khẩu thép, vượt xa năng lực sản xuất nội địa. Theo Tổng cục Hải quan, lượng nhập khẩu thép cán nóng trong năm 2023 là 9,6 triệu tấn, chủ yếu là từ Trung Quốc và Ấn Độ, bằng 143% so với sản lượng sản xuất trong nước.

Ước tính quý I/2024, con số này tăng vọt lên đến 3 triệu tấn, gấp 1,5 lần so với sản lượng sản xuất nội địa, trong đó lượng nhập từ Trung Quốc và Ấn Độ tăng đột biến, chiếm 75%. Đây là thực tế đáng báo động và đặt ra bài toán với cơ quan quản lý Nhà nước về việc làm thế nào để kiểm soát hàng nhập khẩu, đồng thời khuyến khích sản xuất thượng nguồn trong nước.

Ngành thép Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn

Biên lợi nhuận thép cán nóng của Trung Quốc hầu hết ở mức âm suốt năm 2023, có nghĩa là chấp nhận bán lỗ dưới giá thành (theo S&P Global)

Sự gia tăng chóng mặt của thép cán nóng nhập khẩu đã khiến thị phần bán hàng nội địa của các doanh nghiệp sản xuất trong nước sụt giảm rất mạnh, từ 45% năm 2021 xuống còn 30% năm 2023. Trong khi đó, thị phần của hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ lại tăng từ 32% lên gần 46% trong năm 2023. Còn lại là hàng nhập khẩu từ: Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Đài Loan,… Trong bối cảnh khủng hoảng thừa sản xuất tại Trung Quốc​​, xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục trong năm 2024, đặt ra thách thức mới cho ngành thép nội địa.

Giá thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ trong năm 2023 đã giảm mạnh so với năm 2022. Cụ thể, giá bán HRC của Trung Quốc giảm từ 618 USD/tấn vào quý 1/2023 xuống còn 557 USD/tấn trong quý IV/2023 và chỉ còn 555 USD/tấn trong quý I/2024. Hiện giá bán HRC của Trung Quốc dao động trong khoảng 520 - 560 USD/tấn. Theo các doanh nghiệp, điều này gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, có dấu hiệu bán phá giá, bóp nghẹt sản xuất trong nước.

Dựa vào nguyên tắc của WTO, việc bán hàng dưới giá thành không được chấp nhận. Dữ liệu từ S&P Global về biên độ lợi nhuận của HRC tại thị trường nội địa Trung Quốc cũng cho thấy mặt hàng này liên tục bị bán với mức giá thấp hơn giá thành, một hành vi mà chính các doanh nghiệp thép lớn tại Trung Quốc cũng đang kêu gọi Chính phủ làm rõ​​.

Cần thiết mở điều tra chống bán phá giá

Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho hay, trước đây, Việt Nam chưa thể sản xuất thép cuộn cán nóng do hạn chế về vốn và công nghệ. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các doanh nghiệp trong nước và FDI như Hòa Phát và Formosa làm thay đổi điều này. Thép HRC đóng vai trò là nguồn nguyên liệu chính cho nhiều ngành công nghiệp, từ sản xuất vỏ tàu, vỏ xe ô tô đến nhiều ngành sản xuất tiêu dùng khác. Việc tự sản xuất thép HRC bởi các Hòa Phát và Formosa đã tạo điều kiện cho ngành thép Việt Nam phát triển vững mạnh, giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu.

Tuy nhiên, theo ông Tuất, thị trường Việt Nam vẫn đối mặt với thách thức từ lượng lớn thép nhập khẩu. Điều này không chỉ do các kênh phân phối có sẵn và mối quan hệ với các bạn hàng cũ mà còn vì nhu cầu thép giảm sút, nền kinh tế chững lại tại các thị trường lớn như Trung Quốc, khiến họ chuyển hướng dòng vốn và sản phẩm sang Việt Nam.

Ngành thép Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn

Ảnh minh họa

So sánh với các quốc gia như Thái Lan và Indonesia, dù có sản lượng thấp hơn Việt Nam nhưng họ đã áp dụng các biện pháp tự vệ thương mại để bảo vệ ngành thép từ giai đoạn sản xuất thượng nguồn. Các sản phẩm phụ như thép cán nguội, tôn mạ màu và thép không gỉ đã được bảo vệ khỏi hàng nhập khẩu bán phá giá thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại. Còn tại Việt Nam, thép cán nóng nhập khẩu hầu như không phải chịu thuế và chưa có bất cứ hàng rào kỹ thuật nào.

Theo thống kê từ năm 2010 đến nay, đã có 27 vụ việc liên quan đến thép HRC được khởi xướng điều tra, trong đó Trung Quốc là quốc gia bị cáo buộc bán phá giá nhiều nhất. Các quốc gia khác như Thái Lan và Indonesia cũng áp dụng các biện pháp CBPG để bảo vệ ngành sản xuất thép từ thượng nguồn của họ.

Nhiều chuyên gia trong ngành ủng hộ việc sản xuất thép từ thượng nguồn và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự chủ sản xuất thép chất lượng cao, điều mà Việt Nam đã nỗ lực xây dựng trong 10 năm qua. Việc tiếp tục nhập khẩu thép HRC với lượng lớn hơn sản lượng sản xuất nội địa không chỉ là một tín hiệu đáng báo động mà còn là một thách thức lớn đối với nỗ lực tự chủ các ngành công nghiệp nền tảng của Việt Nam.

Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, việc khởi xướng cuộc điều tra chống bán phá giá là cần thiết. Ông nhấn mạnh, Hiệp hội luôn ủng hộ việc bảo vệ sản xuất nội địa, đặc biệt là tại các khâu thượng nguồn, đây là nền tảng cho sự phát triển của ngành công nghiệp phía sau.

“Việc ưu tiên bảo vệ sản xuất thượng nguồn trong nước không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh kinh tế mà còn là cách thức hiệu quả để bảo vệ công ăn việc làm và tạo ra nguồn thu ngân sách ổn định cho Nhà nước. Đơn cử như Tập đoàn Hòa Phát đã tạo ra việc làm cho khoảng 30.000 lao động, đóng góp khoảng 10.000 đến 20.000 tỷ đồng mỗi năm vào ngân sách nhà nước, mức đóng góp tương đương với ngân sách của một tỉnh trung bình ở vị trí từ 30 đến 35 trên cả nước. Sự đóng góp đáng kể này thể hiện vai trò không thể thiếu của ngành thép trong nền kinh tế, chứng minh sức mạnh của việc đầu tư và phát triển sản xuất trong nước hiệu quả”, ông Đa phân tích.

Quan sát tổng thể, ông Đa đánh giá rằng, so với quá khứ của ngành thép Việt Nam chủ yếu là nhập khẩu ròng. Hiện tại đã có sự chuyển biến tích cực khi kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam đạt được 13 tỷ USD, vượt qua giá trị nhập khẩu. Điều này phản ánh sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào khâu thượng nguồn, với công nghệ cao và vốn lớn như HRC, giúp giảm bớt áp lực về cân đối ngoại tệ và thúc đẩy tự chủ ngành thép trong nước. Do vậy, khi có dấu hiệu thép cán nóng nhập khẩu vào Việt Nam bán phá giá cần thiết mở cuộc điều tra để có thông tin chi tiết. Từ đó sẽ đưa ra các giải pháp để bảo vệ sản xuất thượng nguồn cho ngành thép.

Đồng quan điểm, chuyên gia Phan Đăng Tuất chia sẻ, thép cán nóng là nền tảng cơ sở cho các ngành công nghiệp khác, có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển ổn định của sản xuất trong nước. Theo ông Tuất, Chính phủ cần vào cuộc điều tra để làm rõ chi tiết xem có hay không việc bán phá giá thép cán nóng vào thị trường Việt Nam, qua đó có biện pháp kiểm soát phù hợp.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết