Lãi ròng quý 4 của Sabeco xuống mức thấp nhất 2 năm
Doanh thu của Sabeco sụt giảm phần lớn do nhu cầu tiêu dùng thấp. Điều này ảnh hưởng đến lợi nhuận ròng của Doanh nghiệp, dù được bù đắp một phần từ lãi tiền gửi tăng cao.
Ảnh: TV |
Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HOSE: SAB) đã công bố BCTC quý 4/2023, với doanh thu thuần đạt 8,520 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp tiếp tục cải thiện từ 28% lên 29%, nhờ giá vốn hạ nhiệt.
Tuy nhiên, các yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận như chi phí quản lý tăng 7% lên 214 tỷ đồng; phần lãi trong công ty liên doanh liên kết giảm 50% xuống còn 33 tỷ đồng; mặc dù bù đắp một phần bởi doanh thu tài chính cao hơn 347 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh quý 4 và năm 2023 của Sabeco (Đvt: Tỷ đồng) Nguồn: SAB, người viết tổng hợp |
Kết quả, Sabeco báo lãi ròng 947 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận quý thấp nhất của “ông lớn” ngành bia Việt Nam trong hai năm qua.
Thực tế cho thấy, SAB đã kéo dài chuỗi 5 quý liên tiếp “lãi trên ngàn tỷ” kể từ quý 4/2021, nhưng chính thức đứt chuỗi vào quý đầu năm 2023 và lặp lại tình trạng này trong quý 4/2023.
Không hoàn thành kế hoạch năm
Lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần đạt 30,461 tỷ đồng, giảm 13% so với năm trước. Bia vẫn là sản phẩm chủ lực của SAB, chiếm 88% doanh thu và đến 98% lãi gộp; biên lãi gộp của mảng bia được cải thiện qua các năm, từ mức 27% năm 2018 lên 34% năm 2023.
Mảng bao bì vật tư tuy chiếm 11% doanh thu, nhưng biên lãi gộp mảng này là số âm. Nước giải khát dù có biên lãi gộp ở mức 23%, nhưng doanh thu mảng này chỉ đóng góp tỷ trọng rất nhỏ, chưa đến 0.5% tổng doanh thu.
Tình hình kinh doanh từng mảng chính của Sabeco trong năm 2023 (Đvt: Tỷ đồng) Nguồn: SAB, người viết tổng hợp |
Sau cùng, lãi ròng 2023 của Sabeco đạt 4,118 tỷ đồng, giảm 21% so với năm 2022. Công ty cho biết do sự cạnh tranh gay gắt, nhu cầu tiêu dùng, kinh tế trong nước suy thoái cùng với việc thực hiện chặt chẽ Nghị định 100 khiến doanh thu giảm, ảnh hưởng đến lợi nhuận.
So với kế hoạch đề ra, SAB thực hiện được 76% chỉ tiêu về doanh thu và 74% mục tiêu lợi nhuận năm.
Sabeco là doanh nghiệp đầu ngành sản xuất bia tại Việt Nam, nhưng hiệu quả kinh doanh chênh lệch rõ rệt so với đối thủ cùng ngành đang niêm yết là Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, HOSE: BHN).
Kết thúc năm 2023, chủ hãng Bia Hà Nội đạt doanh thu thuần 7,757 tỷ đồng và lãi ròng 355 tỷ đồng, giảm lần lượt 8% và 28% so với năm trước. Cả hai chỉ tiêu này đều kém xa so với Sabeco.
*Lợi nhuận Bia Hà Nội bốc hơi hơn trăm tỷ vì người Việt giảm uống?
Tiềm lực tài chính mạnh, duy trì mức cổ tức cao
Tại cuối năm 2023, tổng tài sản của SAB hơn 34 ngàn tỷ đồng, giảm 400 tỷ đồng so với đầu năm. Tiền, tiền gửi ngân hàng giảm 700 tỷ đồng xuống còn gần 23 ngàn tỷ đồng và chiếm tới 67% tổng tài sản. Năm 2023, lãi tiền gửi mang về gần 1.4 ngàn tỷ đồng.
Giá trị hàng tồn kho tăng nhẹ lên 2.4 ngàn tỷ đồng, chiếm phần nhiều là nguyên vật liệu hơn 1 ngàn tỷ đồng và thành phẩm, hàng hóa 734 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của SAB giảm 1.3 ngàn tỷ đồng so với đầu năm, đạt gần 8.6 ngàn tỷ đồng. Vay ngắn hạn hạ xuống mức 530 tỷ đồng, nợ vay tài chính dài hạn giảm hơn nửa còn 171 tỷ đồng.
Bên cạnh tiềm lực tài chính mạnh, SAB duy trì chi trả cổ tức tiền mặt đều đặn qua các năm ở mức 3,500-5,000 đồng/cp. Ngày 07/02 tới, Doanh nghiệp dự kiến chi gần 2,000 tỷ đồng tạm ứng cổ tức năm 2023 cho cổ đông với tỷ lệ 15% (1,500 đồng/cp). Ngày giao dịch không hưởng quyền là 04/01/2024.
Năm 2023, Sabeco dự kiến trả cổ tức với tỷ lệ 35%. Như vậy, Doanh nghiệp sẽ còn tối thiểu một đợt trả cổ tức nữa mới hoàn thành kế hoạch.